Bài dịch của Nguyễn Đình Hùng
Phỏng dịch từ “Rashford should not be worried by comparisons to England’s other forwards” của Laurie Whitwell, đăng trên The Athletic.
Việc “bash” Marcus Rashford aka “TRashford” trên MXH không còn là cái gì mới mẻ hay “chấn động” nữa. Thậm chí, nó còn bắt đầu trở nên hơi nhàm mất rồi và tình cờ trong giai đoạn mới đây, lại có người “tái châm ngòi” cho cuộc bêu đầu này, và cá nhân đó là không ai khác ngoài Squawka Football với Tweet:
Có thể thấy trong tweet trên, có một sự “lệch lạc” không nhỏ ở hiệu suất ghi bàn của hai trung phong trẻ, một đỏ một xanh với “phần thắng” thuộc về “trung phong chè xanh”. Nói theo kiểu meme thì Tammy là “The guy she told you not to worry about.” Nếu như bạn và đám bằng hữu đang vừa làm vài lon Saigon Special vừa coi bóng đá Anh, cái tweet trên rất dễ trở thành phát pháo khởi đầu một chuỗi “lời qua tiếng lại”, nhẹ thì tất cả mọi người sẽ bàn tán, bỏ qua luôn trận đấu mà họ định coi, nặng thì sẽ có người qua đêm ở bót, người thì ngủ bệnh viện.
Ngoại trừ một chuyện: Cái tweet trên là một ví dụ gần như hoàn hảo cho việc rất nhiều người hay đem “xì ta tít tíc” (Statistics) đi lòe mà chả hiểu mô tê răng rứa chi hết.
Thứ nhất, nếu mà cãi chày cối, thì Tammy già hơn TRashford tầm… 4 tuần. Chưa kể, con đường phát triển của cả hai không hề giống nhau một chút nào. Công bằng mà nói, Tammy mới là người giống trẩu tre hơn là Rashford. Abraham, ghi bàn đều đặn thật, nhưng đây mới chỉ là mùa đầu tiên làm kép chính dưới trướng Super Frankie của Kevin Oghenetega Tamaraebi Bakumo-Abraham aka Tammy Abraham. Ở chiều ngược lại, Rashy đã được chọn làm mũi nhọn trên hàng công của Quỷ (đang mất nanh) đỏ từ tận… 2017. À, quên mất, Rashford ghi bàn thắng đầu tiên cho Tam Sư từ 2016 rồi cơ. Nhưng mà cũng cần phải nhớ, khoảng cách tuổi tác giữa Tammy và TRashy chỉ là chưa đầy một tháng, cho nên cũng đừng não bò mà mạnh mồm “Rashford có nhiều thời gian để phát triển hơn Tammy.”
Thứ hai, nhiều người (kể cả tôi) đã quên đi rằng, suốt mùa giải 18-19, Rashford ra sân chủ yếu ở vị trí tiền đạo cánh trái. Check Wyscout một phát là ra ngay: Mùa vừa rồi, Rashford dành tổng cộng 1597 phút (17.74 trận) ở vị trí… tiền đạo cắm. Và số liệu Wyscout là tính luôn cả UCL lẫn EPL lẫn FA Cup, nói chung là “tả pí lù” đến thế mà vẫn còn chưa được nửa mùa giải. Về phần Abraham, tiền đạo này đã được đá cắm tầm 917 phút (10.1 trận) và đó là mới chỉ có mùa này thôi. Cho nên, nếu dùng cái tweet “33 vs 12” của Squawka để nói về Rashford thì xin chúc mừng, bạn đã lọt vào danh sách đề cử cho danh hiệu “Trẻ trâu của năm.” Với đà này, chuyện Tammy ghi được nhiều bàn hơn Rashford nó là hoàn toàn dễ hiểu, nếu không muốn nói chỉ là vấn đề thời gian.
Tất nhiên, chuyện mấy ông tiền đạo cánh ghi bàn nhiều cũng chả có gì lạ. Chắc ai cũng nhớ mùa vừa rồi Mo Salah, Manecute, Firmino với cả Aubameyang cùng chia nhau danh hiệu “Chiếc giày vàng”- danh hiệu dành cho cầu thủ ghi nhiều bàn nhất mùa giải. Một thập kỷ trước, CR7 ẵm giày vàng ở vị trí mà Rashford đang đá, rồi giai đoạn từ 2009 đến 2017 là thời kì thống trị của các trung phong. Nói đến đây tôi nghĩ mấy bạn cũng hiểu, muốn so sánh Rashford với Tammy nó là một câu chuyện không đơn giản như nhiều người nghĩ.
Hình dưới là bản đồ chạm bóng (Touch map) của Rashford và Tammy trong hai trận cầu gần nhất- United gặp Brighton và Chelsea gặp Crystal Palace. Cả hai đều ghi bàn nhưng như bản đồ đã chỉ ra, họ hoạt động ở những khu vực khác nhau trên sân.
Ghi chú: Nếu ai có để ý thì sẽ nhận ra, người đoạt lại bóng và “khởi xướng” tình huống mở tỉ số trong trận gặp Brighton của United chính là Rashford.
So sánh Rashford với Tammy nó cũng giống như so sánh AK-47 với M-16 vậy. Hai thứ, cùng là súng trường tấn công nhưng “lý thuyết” và “học thuyết quân sự” đằng sau sự ra đời của cả hai hoàn toàn khác biệt và bản thân chúng cũng phục vụ những mục đích khác nhau. Bản thân Rashford với Tammy cũng thế và Gareth Southgate là người đầu tiên nhận ra sự khác biệt này khi ông phát biểu:
“Trong suốt một thời gian dài, chúng ta luôn muốn Marcus trở thành mũi nhọn của hàng công, còn bản thân tôi thì không chắc lắm về việc cậu ấy có phát huy được tốt nhất ở vị trí đó hay không.
Phần lớn thời gian ở United, Rashford được uốn nắn để trở thành mẫu tiền đạo cắt vào từ hành lang ngoài, cộng với việc cậu ấy không có thể hình như Kane để chơi quay lưng về phía khung thành và giữ bóng, Rashford sẽ phải đá khác Harry khi chơi ở vị trí đó. Dù gì thì, Marcus luôn đá tốt nhất khi xuất phát từ biên và cắt vào bên trong từ cánh trái.
Về phần mình, tôi không nghĩ đó là vấn đề, chỉ đơn giản là chúng ta phải nhận thức được điều đó để sử dụng cậu ấy một cách triệt để nhất, tận dụng hết khả năng của cậu ấy ở những phần sân đó.”
Gareth Southgate còn có thêm một tông đồ cực kì quan trọng: Ole Gunnar Solskjaer. Từ đầu mùa giải tới giờ, Rashford luôn chắc một suất ra sân bên hành lang trái của United, trừ những lúc đoàn quân đỏ thiếu người do chấn thương và đội hình quá thiếu chiều sâu. Bây giờ, với Mã Tiến An quay trở lại sau chấn thương, Rashford một lần nữa được trở về “ngôi nhà thân thương” bên hành lang trái và hơn ai hết, Ole sẽ là người hạnh phúc nhất (và thở phào nhẹ nhõm) khi Rashford tiếp tục thể hiện những gì anh đã làm trong màu áo Tam Sư.
Trong loạt trận quốc tế tuần vừa rồi, Rashford để lại nhiều dấu ấn nhất trong trận gặp Montenegro: Băng tốc liên tục, quấy rối hàng thủ đối phương, tạo khoảng trống cho đồng đội, khiến cho hiệp một của trận đấu trở nên quá dễ dàng cho ĐT Anh. Ngay ở phút 17, Rash đã buộc Milan Mijatovic trổ tài, ba phút sau đó, anh đã lùi về đóng góp phòng ngự, hóa giải tình huống uy hiếp khung thành Jordan Pickford. Đến khi trọng tài nổi còi kết thúc 45’ đầu tiên, anh đã “múa” được vài đường, tạo ra một tình huống nguy hiểm và có thêm một cú súng trúng khung thành nữa. (Cá nhân tôi không ủng hộ cái kiểu đá múa may quay cuồng cho lắm, cứ đơn giản mà xong việc thôi). Ở trận gặp Kosovo, dù chỉ vào sân từ phút 60 nhưng TRashford vẫn kịp ghi một bàn thắng, đóng góp vào chuỗi trận thắng của thầy trò Gareth Southgate.
Có thể thấy, Rashford đang đá rất thoải mái và tự tin, trái ngược hoàn toàn hình ảnh bạc nhược và nhát chân phần lớn mùa giải vừa rồi. Quay về trận gặp Brighton, Có kha khá tình huống Rashford được quyền “tham bóng”, lạng lách đánh võng triển khai kỹ thuật qua người, đơn thương độc mã xâm nhập vòng cấm. Tất nhiên, đá như thế sẽ không thiếu highlight và thậm chí trở thành thứ vũ khí nguy hiểm cho United, nhưng nếu chỉ để làm highlight và “bắt nạt” mấy đội yếu như Brighton thì không quá khắt khe khi nói rằng Rashford đang tự biến mình thành TRashford. Nguy hiểm hơn, tiền đạo 22 tuổi đang “tự huyễn hoặc” và làm thui chột chính bản thân mình.
Thế nhưng, nếu Rashford có một lợi thế không thể chối cãi thì đó là thì đó là thể lực cực kì dồi dào của anh. Phút thi đấu chính thức cuối cùng trong trận gặp Brighton, Marcus lùi về rất sâu để nhận bóng do De Gea ném và anh vẫn có đủ sức để băng tốc qua tới vòng cấm của Brighton, phối hợp với Martial và mặc dù cú sút cuối cùng đi trật cầu môn nhưng thể lực sung mãn của Kylian Mnobrain sẽ đảm bảo khả năng “tạo biến” bất cứ lúc nào hàng thủ đối phương lơ là.
Cũng cần phải nói, đây là lần thứ hai trong ba trận liên tiếp Rashford có một pha “vackam” cuối giờ, sau khi làm điều tương tự trong trận gặp Norwich.
Về thông số (lại “xì ta tít tíc”), Marcus tổng cộng đã “giỡn mặt với cán bộ” (dribble) 44 lần với tỉ lệ thành công 47.7%, chỉ xếp sau những chuyên gia lạng lách khác như Zaha, Joshua King, Raheem Sterling và Son Heung-Min. Tính thêm 17 cơ hội TRashford đã tạo ra với 3 bàn thắng được chuyển hóa từ những tình huống đó, có thể kết luận Marcus Rashford đóng góp rất nhiều vào lối chơi của cả đội với tư cách cầu thủ đá cánh chứ không phải là một trung phong với trọng trách ghi bàn.
Cuối cùng, Rashford, dù đã đá hỏng hai quả penalty, vẫn đang là người có xG cao nhất United ở thời điểm hiện tại- 7.82, và với phong độ ở thời điểm này, hoàn toàn có thể hy vọng Rashford sẽ dễ dàng vượt qua thành tích “tốt nhất” của bản thân.
Addendum:
Cá nhân tôi, mặc dù đồng ý với phần lớn quan điểm của bài viết, nhưng không đồng ý ở một chỗ: Phát triển như thế thì tôi nói thẳng mua lại Memphis Depay còn tốt hơn. Cái điểm “ăn tiền” của Rashford khi đá số 9 chính là khả năng hoạt động rất rộng và rất bền bỉ. Nhưng để đá như thế mà hiệu quả thì Rashford vẫn còn thiếu hai thứ cực kì quan trọng: tư duy chạy chỗ và khả năng xử lý bóng. Nếu có ai thắc mắc tại sao một cầu thủ chạy hùng hục mà không đem lại hiệu quả, đó là bởi vì anh ta chạy không đúng cách. Còn những cầu thủ luôn có bóng nhưng “đóng góp có hiệu quả” (output) không cao thì thường có hai lý do: Một là, anh ta xử lý bóng kém, hai là, những cầu thủ nhận banh từ anh ta xử lý bóng kém. Ví dụ điển hình nhất cho trường hợp hai chính là… Paul Pogba. Cụ thể như thế nào thì cả mình lẫn Jason đều đã nói nhiều rồi. Về phần Rashford, nếu chọn con đường “dạt cánh” làm bước phát triển thì nhiều khả năng Rashford sẽ rơi vào trường hợp thứ nhất.
Nên nhớ, những màn rê dắt vừa rồi là đối đầu với Brighton và Montenegro, những hàng thủ không quá vững chắc và hơn nữa, những cầu thủ thích rê dắt thường đá cực tệ ở những đội chuyên phòng thủ- phản công vì những đội như thế thường xuyên… đói banh. Nếu ai muốn đem trận gặp Liverpool ra hù thì tôi xin phép nói luôn: Trận đó mà đá khôn thì United đã có được “Parc des Princes 2.0.” thay vì một trận đấu mà chả biết Klopp hay Ole mới là người bị điên.
Điểm “ngôn lù” cuối cùng mà ai cũng biết nhưng cố tình làm ngơ, đó là sự thụt lùi của Anthony Martial. Vẫn ghi bàn, vẫn đóng góp đấy, nhưng kể từ khi Martial “được” lên đá cắm, United chủ yếu tạo khoảng trống bằng đúng một “bài” duy nhất: Khi United phản công, Anthony sẽ “chạy về gần sân nhà” (Drop deep), kéo một CB ra khỏi vị trí và từ đó tạo khoảng trống. Không cần phải nói nhiều, “bài đánh” này cũng gần như vô dụng khi United không có tiền vệ nào có khả năng tịnh tiến bóng nhanh chóng để khai thác khoảng trống được tạo ra hay chỉ đơn giản là… nhìn thấy pha chạy chỗ và làm một đường chuyền xuyên tuyến. Về lâu dài, việc đẩy Anthony Martial lên đá tiền đạo cắm ở tầm tuổi này có khả năng cao sẽ tạo những thay đổi không tốt về cả tư duy lẫn khả năng chơi bóng của tiền đạo người Pháp khi những yêu cầu để đá tiền đạo cánh và tiền đạo cắm, dù giống nhau nhưng vẫn có những điểm khác biệt và việc “đổi vị trí” cho một cầu thủ nó gần giống như một ca phẫu thuật, kể cả những vị bác sĩ mát tay nhất vẫn có khả năng thất bại. Nói đơn giản thì, United đang cho phép một cầu thủ phát triển bằng cách “thí mạng” một cầu thủ khác và mỉa mai thay, cả hai đều đang là những trụ cột quan trọng trên hàng công của họ.
Cho nên, rốt cuộc những thay đổi của Ole đã đem lại gì cho Marcus Rashford? Chả có gì nhiều, ngoại trừ việc ông lấy “sức sống” của Martial qua bồi cho Rashford. Cộng thêm việc Martial không bao giờ được gọi lên tuyển, tôi nghĩ rằng mọi chuyện vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi mọi người nhận ra một sự thật cay đắng: Anthony Martial không phải là Thierry Henry.
Comments