top of page
  • Writer's pictureJason W. Ke

ManUtd 2019/2020: Smalling

Tác giả: Anh Duc Nguyen - https://www.facebook.com/anhduc.0202

 
Tổng quan

Tên: Christopher Lloyd Smalling Tuổi: 29 (22/11/1989) Quốc tịch: Anh Vị trí: Trung vệ Số áo: 12 Chân thuận: Phải Chiều cao: 1m93 Cân nặng: 81kg (có nơi ghi 90kg) Hợp đồng: khoảng £120,000/tuần kéo dài đến năm 2022 với điều khoản gia hạn thêm 1 năm nếu kích hoạt (người viết không thực sự chắc chắn về khoản lương này khi bản hợp đồng mới được kí cuối năm ngoái không công bố mức lương mà chỉ được báo chí dự đoán khoảng £120,000/tuần)

Đánh giá chung

Được đưa về từ Fulham vào năm 2010, lúc bấy giờ Smalling được đánh giá là một trong những trung vệ đầy tiềm năng của bóng đá Anh và hứa hẹn sẽ tiếp bước những đàn anh đi trước như John Terry, Rio Ferdinand, … Trải qua gần mười năm ở Old Trafford và được chỉ bảo tận tình bởi các huấn luyện viên hàng đầu Thế giới như Alex Ferguson, Louis Van Gaal hay Jose Mourinho, thế nhưng Smalling không thể bứt phá lên thành một trung vệ hàng đầu tại PL mà vẫn mãi chỉ là một cầu thủ với chất lượng trung bình tại đội bóng thành phố Manchester.


Mùa giải tới đây sẽ là mùa giải thứ chín Smalling khoác lên mình màu áo đỏ. Trong tám mùa giải trước đó, cầu thủ người Anh đã thi đấu tổng cộng 323 trận, dành được vô số các danh hiệu như Premier League, FA Cup, Europa League, … Hiện tại anh đang là cầu thủ có thâm niên lâu nhất tại Nhà hát của những giấc mơ. Về phong cách thi đấu, Smalling không phải là mẫu trung vệ hiện đại ngày này thường thấy với khả năng phát động tấn công từ tuyến dưới mà lại là mẫu trung vệ mang hơi hướng cổ điển với khả năng phòng ngự chắc chắn. Vậy nhưng với việc thường xuyên mắc những sai lầm ngớ ngẩn nên cầu thủ người Anh chưa bao giờ có một vị trí chắc chắn trong đội hình chính thức.

Ưu điểm

Đầu tiên phải nói đến khả năng phòng ngự của Smalling. Hiện tại ở Man Utd có lẽ khó ai có thể hơn được cầu thủ số 12 ở khoản phòng ngự. Smalling có khả năng đọc tình huống khá tốt, giúp anh có thể tung ra những cú tắc bóng đúng thời điểm, đặc biệt là trong những tình huống 1 đấu 1. Các con số 1.3 pha tắc bóng, 1.1 pha cắt bóng, 1 pha block và 4.4 pha giải nguy mỗi trận tại PL đã thể hiện được phần nào khả năng phòng ngự của Smalling. Tuy nhiên nếu so sánh những con số trên với các cầu thủ khác, đặc biệt là Issa Diop trong một hệ thống chiến thuật gần như tương tự tại West Ham (2.1 pha tắc bóng, 1.9 pha cắt bóng, 1.1 pha block, 4.7 pha giải nguy) thì những thông số của cầu thủ người Anh chỉ ở mức ổn đối với một trung vệ.


Một điểm nữa bổ sung thêm vào khả năng phòng ngự của cầu thủ này chính là anh sở hữu một thân hình cực kì lí tưởng cho vị trí trung vệ. Chính vì lẽ đó nên khả năng không chiến của Smalling là rất ổn, cả trong tấn công lẫn phòng ngự. Trung bình mỗi trận ở mùa giải trước, Smalling có 5.76 pha không chiến và thành công đến 61.1%. Ngoài ra, anh còn đóng góp rất nhiều bàn thắng cho Quỷ Đỏ từ những pha set-piece nhờ vào khả năng không chiến tốt của mình.


Ngoài ra Smalling còn là một trong những cầu thủ nhanh nhất tại Man Utd thời điểm hiện tại. Việc sở hữu một tốc độ tốt giúp cầu thủ này không hề phải e ngại khi phải đối đầu với các cầu thủ đầy tốc độ tại PL hiện nay.


Khả năng chuyền bóng ngắn của cầu thủ số 12 cũng là tương đối ổn. Thế nhưng, như đã nói ở trên, Smalling không là một mẫu ball-playing defender nên cầu thủ này chỉ lựa chọn những phương án chuyền bóng an toàn và để công việc triển khai bóng cho các đồng đội khác. Con số 2.5 đường chuyền dài và 2.88 đường chuyền vào khu vực final third dù sở hữu 33.18 đường chuyền mỗi trận (chính xác 88.9%) đã thể hiện được rõ sự an toàn trong những quyết định khi chuyền bóng của cựu cầu thủ Fulham. Còn nếu bạn muốn Smalling có những đường chuyền với độ khó cao hơn, mạo hiểm hơn thì bạn nên chuẩn bị tinh thần vì những đường chuyền của anh là cực kì mù mắt.

Nhược điểm

Cũng giống như người bạn giáo sư Phil Jones, lối chơi của Smalling tuy đơn giản nhưng cũng cực kì khó đoán đối với cả đối thủ lẫn đồng đội. Và có lẽ người được kiểm chứng rõ ràng nhất khả năng này không ai khác chính là anh chàng thủ môn của chúng ta David De Gea. Chính Smalling đã đá bay đi giải thưởng “Găng tay vàng” của De Gea trong những phút cuối cùng của mùa giải 2015/2016 chứ không phải một tiền đạo khét tiếng nào khác ở PL.


Dù kĩ năng phòng thủ là tốt tuy nhiên khả năng decision-making của anh khiến cho nhiều người phải đặt dấu hỏi. Rất nhiều tình huống Smalling đưa ra những quyết định của mình một cách hấp tấp và dẫn đến những sai lầm. Cầu thủ người Anh thường xuyên có những pha vào bóng không cần thiết hoặc không đúng thời điểm dẫn đến những thẻ phạt không đáng có hoặc những tình huống nguy hiểm cho đối phương, điển hình là bàn thắng của Lucas Moura trong trận đấu lượt đi gặp Tottenham ở PL. Ngoài ra, những lựa chọn theo kèm của anh đôi lúc rất khó hiểu và điều đó buộc đồng đội phải làm thay những công việc đáng lẽ là của anh, khiến cho hệ thống phòng ngự của Man Utd cực kì rối loạn và kém hiệu quả. Bên cạnh đó, không thể không nói đến những quyết định xử lí cực kì ngớ ngẩn với “đặc sản” là những pha đánh đầu tầm thấp đem lại nụ cười cho người hâm mộ bóng đá toàn Thế giới. Khả năng chọn vị trí của Smalling cũng chả khá khẩm hơn là bao so với khả năng decision-making của anh. Cầu thủ mang áo số 12 thường xuyên là người đứng sai vị trí và để cho cầu thủ đối phương có khoảng trống mênh mông để dứt điểm. Có lẽ ai cũng còn nhớ pha phản xạ 0.26 giây của De Gea trước cú đánh đầu cận thành của Luis Muriel trong trận đấu với Sevilla ở Champions League mùa 2017/2018, thế nhưng ít người biết rằng tình huống đấy có thể xảy ra là do Smalling đã bỏ kèm tiền đạo đối phương để di chuyển ra một vị trí đứng rất khó hiểu, dẫn tới cơ hội cho Muriel. Ngoài việc thường xuyên bỏ vị trí ra, cầu thủ người Anh cũng thường xuyên đứng sai vị trí trong hàng phòng ngự và khiến cho kế hoạch bẫy việt vị của Man Utd bị phá sản. Cộng với đó, việc chọn vị trí sai còn khiến cho Smalling nhiều lần bị đánh bại trong những tình huống không chiến dù cho đối thủ nhỏ con hơn anh rất nhiều.

Tổng kết

Dù phong độ không ổn định, tấu hài là nhiều, thế nhưng Smalling vẫn có một chỗ đứng quan trọng trong đội bóng. Anh là một Home-Grown giúp đội đáp ứng đủ nhu cầu để thi đấu tại Champions League. Bên cạnh đó, khi mà thời gian nằm bệnh viện của Bailly còn nhiều hơn thời gian thi đấu trên sân bóng thì Smalling vẫn là một sự lựa chọn tốt để đá cặp với Lindelof ở trung tâm hàng phòng ngự. Cầu thủ người Anh sẽ đóng vai trò là một trung vệ dập lao lên phía trước tranh bóng còn Lindelof sẽ là người đứng phía sau và cover cho Smalling. Ngoài ra, anh cũng sẽ là người ở lại phía sau bọc lót mỗi khi trung vệ người Thụy Điển cầm bóng lên cao và tham gia vào công việc build-up của đội. Quan trọng hơn, cầu thủ mang áo số 12 là người đem lại tiếng cười cho sân Old Trafford, là người giúp De Gea ngày càng cải thiện khả năng bắt bóng của mình và là một trong hai người tại Man Utd lúc này được công nhận là giáo sư trong bộ môn nghệ thuật phòng ngự.


Về mức lương £120.000/tuần (chưa được kiểm chứng rõ ràng), hợp đồng mới của Smalling không phản ánh đúng thực lực của cầu thủ này mà mang tính chất tri ân những đóng góp của anh nhiều hơn cũng như là vì một suất HG trong đội hình. Với triết lí “nhà tình thương” trong vài năm trở lại đây của đội bóng, người viết đánh giá đây là một bản hợp đồng đi đúng với triết lí của ban lãnh đạo đội bóng nửa đỏ thành Manchester và sẽ là tấm gương sáng để các câu lạc bộ khác noi theo khi mà vấn nạn “vắt chanh bỏ vỏ” diễn ra ngày càng nhiều trên Thế giới.


Bài viết có tham khảo số liệu từ Whoscored, Wyscout và Transfermarkt.



103 views0 comments

Comentários


bottom of page