top of page
Writer's pictureJason W. Ke

David De Gea và quan niệm về góc gần

Dịch từ bài viết “David De Gea and the near-post myth” của Matt Pyzdrowski trên trang The Athletic.


 

Vào thứ bảy vừa rồi, Patrick van Aanholt đã có bàn thắng quý như vàng trong những phút bù giờ để giúp cho Crystal Palace lần đầu tiên rời sân Old Trafford với 3 điểm trong tay kể từ năm 1989. Ngay lập tức đã có những câu hỏi xoay quanh việc tại sao David De Gea lại bị đánh bại ở góc gần trong khi đáng lẽ các thủ môn đều phải cản phá được những tình huống đó.


Có vài thứ khiến cho người viết phải khó chịu hơn cả những thông tin sai lệch xung quanh vị trí của thủ môn, và cái quan niệm trên là một trong những thứ khiến người viết khó chịu nhất. Nếu bóng đi vào lưới ở góc xa, hiếm khi có sự chỉ trích. Thế nhưng nếu như bàn thắng đến từ góc gần, những người hâm mộ và các chuyên gia sẽ ngay lập tức có những lời trách mắng. Đó là một nhận định hết sức vội vàng và có gì đấy không đúng.


Có một câu nói của thủ thành Borussia Dortmund, Roman Burki đã tổng hợp lại được vấn đề này: “Bất cứ ai đã chơi ở vị trí thủ môn đều biết rằng khung thành là một khu vực rộng lớn và bạn sẽ cố gắng để có thể bảo vệ nó. Bạn không thể bao trọn được hết cả khung thành và đảm bảo rằng bóng không thể đi vào lưới từ góc gần nếu đó là một cú dứt điểm tốt. Góc gần, góc xa, bạn cố gắng để bao quát hết tất cả và bạn sẽ không vui nếu như bị thủng lưới dù ở bất kỳ vị trí nào.” Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng như góc sút, khoảng cách, tốc độ, chiều cao, thời gian phản ứng,... để nói rằng các thủ thành không bao giờ nên để thủng lưới bởi những cú sút vào góc gần.


Người viết thừa nhận rằng với đẳng cấp của De Gea, anh hoàn toàn có thể cản phá được cú sút đó. Nhưng sự thật là việc bóng đi vào lưới từ góc gần chả có liên quan gì đến điều trên cả. Có bao giờ các thủ môn để hở ra khoảng trống ở cột gần và giúp cho đối thủ có một bàn thắng dễ dàng không? Có. Tuy nhiên trường hợp của De Gea thì không phải như vậy.


Có lẽ De Gea sẽ không khó chịu vì vị trí mà bóng đi vào lưới mà anh sẽ khó chịu vì cách tại sao nó lại xảy ra. Tất cả bắt nguồn từ một trong những nguyên tắc cơ bản nhất ở vị trí thủ môn: Tư thế chuẩn bị.

Khi phải đối mặt với những cú sút xung quanh khu vực six-yard box, De Gea thường đứng thẳng lưng trong tư thế chuẩn bị (kể cả khi cầu thủ dứt điểm có tiến tới vị trí của anh ấy), sử dụng thân hình cao lớn của mình để có thể làm hẹp các góc sút nhất có thể. Phần thân trên của anh giữ thẳng và vuông góc với bóng, hai chân hơi chùng xuống và mở rộng hơn chiều dài vai một chút và hai tay thì để ngang eo. Tư thế của De Gea trong tình huống đối đầu với Ross Barkley ở trận đấu mở đầu mùa giải chính là một ví dụ điển hình.





Khi bóng ở tầm ngang eo trở lên, thủ thành người Tây Ban Nha sẽ sử dụng khả năng phối hợp nhanh chóng giữa tay và mắt để đẩy bóng vượt qua khỏi khung thành. Đối với những tình huống bóng thấp hơn và gần cơ thể, anh ta sẽ dựa vào khả năng cản phá xuất sắc bằng chân của mình. Nhờ vào dáng người của De Gea (ngoài phản xạ kinh ngạc) cho phép những quyết định mà anh đưa ra đều được thực hiện một cách nhuần nhuyễn và chính xác. Khi mà anh đã vào được đúng tư thế, hiếm khi De Gea đưa ra quyết định sai lầm trong việc xử lí tình huống bằng chân hay bằng tay.


Kết quả tình huống dứt điểm của Barkley. Tư thế của De Gea giúp anh làm hẹp đi góc sút của đối thủ nhiều nhất có thể, trong khi việc có một tư thế thuận lợi giúp cho anh có thể nhanh chóng đưa chân trái của mình ra để có thể cản phá cú dứt điểm.


Khi đối mặt với Van Aanholt, De Gea lại làm một điều hơi khác thường, và đó chính là sự khác biệt giữa bàn thắng và một pha cứu thua. Thay vì giữ người thẳng, thủ môn người Tây Ban Nha lại chọn tư thế cúi người thấp hơn, với hai chân chùng xuống và mở rộng hơn đáng kể so với thông thường. Tư thế này tạo ra những băn khoăn trong cách tiếp cận để cản phá cú sút này.


Đầu gối của De Gea chùng xuống và mở rộng hơn so với bình thường khi bóng bay đến vị trí của anh.


Nếu như anh đứng thẳng trong tình huống này, lựa chọn sẽ trở nên rõ ràng hơn: cản phá bằng chân. Khi đó bóng sẽ gần chân của anh hơn là so với tay, và do đó nó là sự lựa chọn hiệu quả hơn để cản phá. Tuy nhiên việc có một tư thế thấp hơn so với bình thường đã làm thay đổi tất cả. Bởi lúc này cản phá bằng tay cũng trở thành một lựa chọn khi mà khoảng cách từ chân và tay của anh đến bóng là tương đương nhau.


Điều này dẫn đến việc De Gea phải đưa ra lựa chọn giữa việc cản phá bằng tay hay bằng chân. Và chỉ đến khi bóng đã đi được nửa đường tới khung thành, De Gea mới bắt đầu điều chỉnh cơ thể mình để có thể cản phá bằng tay.


Khi quyết định được đưa ra, De Gea muốn đổ người càng nhanh càng tốt, tạo rào cản vững chắc ở phía sau, và đưa tay ra phía trước để đón bóng. Tuy nhiên, anh ấy không thể. Phần thân dưới của anh, cụ thể là đầu gối phải, đã cản trở việc anh có thể đưa tay thẳng tới vị trí của trái bóng.



Đầu gối phải của De Gea đã làm cản trở việc anh có thể đưa tay được thẳng tới vị trí của trái bóng.


Do vậy, thay vì có thể đón bóng được ở một góc chủ động, De Gea buộc phải để hai tay ở phía sau chân của anh và phải cố gắng đẩy bóng khi mà anh đang đổ người về phía sau. Tốc độ của cú sút đang đánh bại phản ứng của De Gea khi mà bóng đã chạm vào phần dưới bàn tay phải của anh ấy và sau đó đi vào lưới.


Kể cả đó là một tình huống dứt điểm vào góc xa đi chăng nữa thì đó vẫn là một bàn thắng. Và nó sẽ vẫn là lỗi tương tự đến từ vị trí người gác đền mà thôi.


Ngoài việc De Gea đã không xử lí tốt trong tình huống này thì cũng phải dành lời khen cho người dứt điểm là Van Aanholt. Vị trí của cú sút này thực sự làm khó cho thủ thành số 1 của United. Đó là một trong những khu vực mà các thủ môn gọi là “hố đen” - xung quanh hai đầu gối, giữa hai chân, và ngang đầu thủ môn. Đó là những vị trí khó nhất để thủ môn có thể đưa tay hoặc chân ra để cản phá.


Những vị trí “hố đen” của De Gea trong tình huống này.


Khi mà tác giả còn chơi ở Helsingborgs, huấn luyện viên lúc đó là huyền thoại của Celtic, Barcelona và Thụy Điển, Henrik Larsson. Ông ấy từng nói rằng, khi còn thi đấu ông thường dứt điểm vào những vị trí đó bởi ông biết rằng những cú sút đó sẽ rất khó khăn cho các thủ môn để cản phá.


Nếu ông ấy có thể thao túng được người gác đền và khiến cho họ mong đợi những tình huống bóng đi sát với cơ thể mình (đặc biệt là trong những tình huống tương tự như tình huống De Gea phải đối mặt ở đây), ông ấy hiểu rằng họ sẽ phải đưa tay và chân lại gần nhau hơn để có thể loại bỏ được những “điểm đen” này.


Vấn đề là khi làm điều đó, các thủ môn đã vô tình làm cho khung người của mình nhỏ hơn và khiến cho việc đánh bại họ trở nên dễ dàng hơn. Nó tạo ra một câu hỏi hóc búa và khiến cho các thủ thành phải phân vân, tạo ra một lợi thế tâm lý cho Larsson khi đối đầu với họ.


Qua bài viết này, chúng ta có thể thấy được rằng một cú sút tưởng chừng như khá đơn giản đối với De Gea nhưng thực tế lại khó hơn nhiều. Điều đó không có nghĩa là De Gea đã làm hết sức có thể để ngăn chặn nó vì với đẳng cấp của mình, anh hoàn toàn có thể xử lí tốt hơn. Nó còn cho thấy được tâm lý và tư thế chuẩn bị đối với một thủ môn là quan trọng như thế nào, kể cả đối với những người kinh nghiệm nhất. Hơn nữa, bài viết có chỉ ra được ranh giới giữa việc cứu thua và phải vào lưới nhặt bóng nó mong manh như thế nào.

1,031 views0 comments

Comments


bottom of page