top of page
Writer's pictureJason W. Ke

AXEL TUANZEBE: NIỀM HY VỌNG MỚI CHO HÀNG PHÒNG NGỰ CỦA MANCHESTER UNITED ???

Tác giả: Nguyễn Đình Hùng - https://www.facebook.com/erik.le.fantom


Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn:

Eflanalysis.com

Totalfootballanalysis.com

Whoscored.com

Wyscout.com


 

Cái tên Axel Tuanzebe có lẽ là không quá xa lạ đối với cộng đồng fan của United trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, nhưng sau một mùa giải ấn tượng với Aston Villa ở giải hạng nhất (Championship), các Manucian đang đặt hy vọng của mình lên đôi vai trung vệ 21 tuổi người Congo. Ole cũng đã dõi theo Tuanzebe trong mùa giải vừa rồi, cùng với sự hứng khởi thường thấy, sẵn sàng trao cơ hội Axel trong mùa giải mới. Trong bài tổng hợp từ nhiều nguồn này, mình sẽ cố gắng đem lại cho các bạn cái nhìn khái quát về khả năng phòng thủ cũng như hỗ trợ build up của Tuanzebe. Nhưng cũng cần phải nói thêm, Tuanzebe chưa thi đấu ở môi trường “tier 1” nào cả, nên những đánh giá ở đây đều là từ góc độ so sánh với giải “Hạng Nhất” (Sky Bet Championship), muốn biết cậu này đá đấm như thế nào thì gần như chỉ có cách là coi nó đá một mùa ở EPL rồi tính tiếp.


Các bạn ở đây mình nghĩ gần như 100% có theo dõi blog của “tổng biên tập” Da Sơn Kê, mà cụ thể hơn là bài dịch về Milan Skriniar (CB mà mình yêu thích nhất hiện nay, có lẽ là hơn Van Dijk chút đỉnh) thì sẽ biết là mình đánh giá bộ kĩ năng phỏng thủ của trung vệ qua 3 mảng: Đối đầu one-on-one, Tư duy chọn vị trí và Óc phán đoán xử lý tình huống. Đi kèm với những kĩ năng phòng thủ đó là khả năng “chơi chân” (passing), hỗ trợ tấn công và xử lý bóng trong chân.


Phòng thủ One-on-one


Khả năng “đấu tay đôi” với trung phong đối phương là điểm nổi bật nhất ở trung vệ đanh cho mượn tại Aston Villa mùa này. Tuanzebe có thể hình tốt, tốc độ lý tưởng, tổ hợp lý tưởng cho cầu thủ mang trọng trách làm lá chắn trước mặt thủ môn đội nhà. Như đã đề cập trong bài Skriniar, tư thế đặt trọng tâm của một trung vệ đóng góp lớn với những tình huống đối đầu 1-1 và tình huống dưới đây minh họa cho việc “thuộc lòng bài học cơ bản” của Tuanzebe

Tuanzebe (cầu thủ áo tím trong quầng sáng) có cho mình trọng tâm theo vị trí “side-on”, tạo lợi thế phản ứng khi “đấu tay bo” với hậu vệ cánh Jamal Lewis của Norwich, người trong tình huống tấn công đang xâm nhập vòng cấm Aston Villa.

Jamal Lewis quyết định “đấu sức mạnh” với Tuanzebe và “Tuấn Bê” đã chứng minh quyết định của Lewis không được sáng suốt cho lắm. Lưu ý một chút là ở đây Tuanzebe đã tỉnh táo khi cố gắng không xoạc bóng (slide tackle) mà chỉ sử dụng thân hình dày và khỏe của mình để chiến thắng trong tình huống đối đầu.

Có thể nói Tuanzebe là cầu thủ có sức mạnh, nhưng mình xin phép chưa khẳng định ở đây là Tuấn Bê sẽ dễ dàng “chơi” lại những cầu thủ lấy thân hình và khả năng tì đè, dù gì đi chăng nữa, khoảng cách trình độ giữa Championship và EPL là có và khá lớn, nên nói chắc chắn Tuanzebe đủ sức để “đọ” với những cầu thủ tấn công đang đá cho EPL là có phần nóng vội và có thể nói là thiếu chứng cứ.

Tuanzebe đang phòng thủ một tình huống Aston Villa dính phản công nhanh từ Birmingham. Tốc độ cho phép Tuấn Bê nhanh chóng áp sát, hay ít nhất là không cho tiền đạo đội bạn có khoảng trống để xử lý banh thuận lợi.

Tiền đạo của Birmingham (Che Adams hoặc là Lukas Jutkiewicz, nếu mình nhớ không nhầm đây là Adams) buộc phải xoay người lại để che bóng, trì hoãn tình huống phản công. Thường thì đây là lúc mà một số trung vệ sẽ tìm cách xoạc banh, nhưng Tuanzebe chọn sử dụng sức mạnh để tranh chấp. Theo cá nhân mình, quyết định này tốt hơn xoạc bóng, vì xoạc có thể bị phạt (kèm theo thẻ vàng vì ngăn cản tình huống tạo cơ hội). Quyết định đè người của Tuanzebe ở đây có lợi hơn vì nó vẫn ngăn cản tình huống tấn công nhưng khó bị thổi phạt, đồng thời, anh “câu” được thời gian cho các cầu thủ khác của Aston Villa quay về hỗ trợ phòng ngự.

Chọn vị trí phòng ngự


Trung bình Tuanzebe có 3.2 pha giải nguy mỗi trận (nguồn từ Whoscored và Wyscout). Có thể nói Tuanzebe sở hữu cho mình óc phán đoán tình huống tốt (ít nhất là so với mặt bằng chung của Championship). Tình huống dưới đây là bằng chứng cho tư duy phòng ngự của Tuanzebe.

West Brom chuẩn bị thực hiện một quả tạt vào vòng cấm, lúc này Tuấn Bê là hậu vệ gần banh (Ball-near Center Back). Tuanzebe (vòng tròn vàng) có cho mình vị trí và tư thế tốt, cho phép anh “bao” cả khoảng trống bên phía tay phải và tiền đạo đanh chạy chỗ (áo trắng cạnh mũi tên ngắn). Tuanzebe làm tất cả những việc cần làm và quả bóng vẫn hoàn toàn trong tầm nhìn của anh.

Tình huống dưới đây có lẽ là thú vị nhất trong số những khoảnh khắc được chọn làm điểm nhấn phân tích vì nó chứa cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của Tuanzebe. Quả tạt lúc này đến từ cánh ngược lại và Tuanzebe lúc này có nhiệm vụ là yểm trợ cho khoảng trống phía sau Chester James (CB còn lại của Aston Villa). Tư duy phòng ngự của Tuanzebe ở đây là tương đối ổn và anh luôn đảm bảo sau lưng Chester James không có cầu thủ nào có thể thuận lợi khai thác “khu vực vàng” trước mặt cầu môn. Để ý trong tình huống này, Villa đã không kịp phòng thủ và rơi vào tình huống khá xấu khi tất cả các cầu thủ phòng ngự đều ở trong tình huống không chiến 1-1. Trong tình huống này, tiền đạo mà Tuanzebe theo kèm đã thực hiện thành công một pha “thoát người từ điểm mù” (blindside run) nhưng pha xử lý cuối cùng lại quá thiếu chính xác. Nếu Tuanzebe muốn có một suất đá chính ở Nhà hát của Những giấc mơ, tư duy vị trí trong tình huống phòng ngự là điều anh chắc chắn phải cải thiện.

Khả năng kéo bóng và hỗ trợ tấn công


Ai cũng biết điều mà United thiếu nhất ở thời điểm hiện tại khi nhắc tới vị trí trung vệ là khả năng “chơi chân”. Tuanzebe, được đào tạo trong môi trường mà đến trung vệ cũng cần khả năng chơi bóng tốt đang thể hiện những tố chất cần thiết trong vai trò trung vệ trong bóng đá hiện đại (Modern Center Back). Tuanzebe không có những đường chuyền mở đầu đợt tấn công như Skriniar hay những trung vệ top trên Châu Âu nhưng thông số chuyền chính xác 88% với trung bình 43.92 đường chuyền một trận, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng Tuanzebe sẽ đóng góp vào khâu build-up cho United. Highlight của Tuanzebe khi có banh đa số là khả năng kéo bóng từ tuyến dưới lên, nhưng mình xin phép nhắc lại, làm được chuyện đó ở EPL là một câu chuyện hoàn toàn khác so với Championship. Kha khá lần Tuanzebe đi bóng vào tới phần sân đối phương và dribble qua 1-2 cầu thủ sau đó bắt đối phương phạm lỗi, nhưng các đội đá ở Championship theo chủ quan của mình Pressing rất kém so với EPL và rất long ngóng khi phải phản ứng với tình huống. Đa phần các đội sẽ phòng thủ không quá rát ở khu vực giữa sân và “middle-third”, mục đích là cản trở đợt tấn công rồi lui về thủ chặt khu vực 16m50 rồi sau đó phản công nhanh. Trừ những đội đã lên hạng cho mùa 19/20 và Leeds United, mình chưa thấy đội bóng nào ở Championship press đủ tốt để các trung vệ không dám, hoặc phải rất thận trọng nếu như muốn tự mình kéo bóng sang phần sân đối phương. Tất nhiên, việc có một CB khác sẵn sàng kéo bóng thay vì chỉ mỗi Lindelof đem đến lựa chọn khác cho OGS ở hàng thủ thay vì “bộ đôi tấu hài” Jonesta và Smalldini, nhưng mình cũng xin nói luôn, việc một trung vệ tự mình bước ra khỏi hàng thủ và xử lý banh (step out of defense) luôn luôn có rủi ro nhất định nếu không muốn nói là khá lớn. Hiển nhiên là khi một trung vệ rời hàng thủ thì sẽ để lại khoảng trống và nếu anh ta để mất bóng thì một tình huống nguy hiểm là khó tránh khỏi.

Kết luận

Tuanzebe đã chứng minh mình hoàn toàn xứng đáng với một cơ hội ra sân trong đội hình chính của OGS sau màn trình diễn tương đối tuyệt vời ở Aston Villa, đưa đội bóng trở lại EPL sau 3 năm vắng bóng. Tuấn Bê thuần thục bộ kĩ năng cơ bản cần có của một trung vệ hiện đại, dù là phòng thủ hay hỗ trợ build-up. Tuấn Bê vẫn còn phải cải thiện rất nhiều để có chỗ đứng trong đội hình của United và không thể nói trước anh sẽ không đi vào vết xe đổ của Phil Jones. Dù gì thì, đó cũng là chuyện của tương lai. Hiện tại, nếu United quyết định không mang thêm một trung vệ mùa hè này thì quyết đinh để Tuanzebe ở lại và có tên trong đội hình của OGS hoàn toàn không gây bất ngờ.


Disclaimer

Mình xin phép nhận đủ gạch đá cho bài này và xin lỗi các bạn trước nếu các bạn thấy bài này quá thiếu chất lượng. Lý do lý trấu thì mình không dám, nhưng viết bài cho một cầu thủ lừng danh thế giới, then chốt cho một CLB danh tiếng ở Châu Âu và viết cho một cầu thủ đang cho mượn ở Sky Bet Championship là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Khác biệt lớn nhất và cần phải được nhắc đến đầu tiên (thành ngữ tiếng anh “The elephant in the room”) là khoảng cách trình độ. Như mình đã nói ở đoạn cuối bài viết, sự khoảng trình độ giữa giải hạng nhất và ngoại hạng là khá lớn và sẽ là một thiếu sót không thể chữa nếu nói rằng những cầu thủ đang thành công ở Championship chắc chắn đá tốt hay ít nhất là đá được ở EPL. Mình chưa coi trận nào đầy đủ của Championship mà mới chỉ coi highlight thôi, nhưng như đã đề cập, lối đá của các đội đang chơi ở Sky Bet nó không quá khác biệt so với EPL trước khi Pep đến và trừ các đội chuẩn bị lên hạng mùa sau thì các đội còn lại không có gì quá khác biệt. Vẫn thủ sâu, tìm cách phản công nhanh, có phối hợp nhỏ đấy, có kĩ thuật đấy, nhưng ai coi nhiều EPL rồi mình xin đảm bảo là coi Championship đá chả khác gì mấy thằng học việc cả.

Như vậy, khi nhìn vào Tuanzebe, mình nhận ra những vấn đề như này: Trước hết, Tuanzebe có thể xuất sắc thật, nhưng mình vẫn không thấy được cái gì sẽ đảm bảo rằng cậu sẽ vượt lên (breakthrough) ở EPL. Phil Jones vài mùa đầu tiên ở Old Trafford, nên nhớ “Jonesta” từng là người được Sir tin tưởng là sẽ thay thế cho Rio ở hàng thủ của United, giờ thì sau bao nhiêu mùa bóng trồi sụt rồi những chấn thương, những pha tấu hài, Phil Jones giờ chỉ còn là “Jonesta” mà thôi. Không thể nói Tuanzebe sẽ tránh được số phận tương tự, nhưng Jose Mourinho, chỉ sau 10p quan sát Tuanzebe đá trong trận debut cho United đã nói như vầy:

“10 minutes is enough! The potential is there, you see it immediately.”

Một người khó tính và bảo thủ như Jose Mourrinho mà còn nói thế về Axel Tuanzebe thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng tiềm năng của Tuanzebe là có thật chứ không phải là vì chúng ta đang quá tuyệt vọng để mà đi vét đáy nồi (Scraping the bottom of the barrel) hy vọng tìm kiếm được ai đó tốt hơn cho cái hàng thủ nó quá là thủng của United, nhất là trong tình cảnh hiện tại khi công cuộc chuyển nhượng của MU vẫn không có tín hiệu nào khả quan. Nên nhớ, ý của mình ở đây hoàn toàn không chê bai những ai đang đặt niềm tin và kì vọng vào cậu bé 21 tuổi người Congo này, nhưng thiết nghĩ, chúng ta không nên quá kì vọng vào một cái tên trẻ vẫn chưa chứng minh được khả năng của mình ở giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới. Có lẽ, kết bài bằng một câu mà thằng bạn ghiền Football Manager của mình hay nói sẽ là phù hợp nhất.

“Số cầu thủ Wonderkid luôn nhiều hơn số cầu thủ siêu sao.”

1,053 views1 comment

1 Comment


1915504840
Aug 19, 2020

thích bóng đá, thích bài của bạn

Like
bottom of page