top of page
  • Writer's pictureJason W. Ke

Wolves Scout Report

Bài dịch của Nguyễn Đình Hùng - https://www.facebook.com/erik.le.fantom


Bài gốc: Wolves 2019/20: Season Preview - Scout Report

Tác giả: Harshal Patel


 

Có lẽ nếu EPL có danh hiệu “Câu chuyện thành công ít gây bất ngờ nhất” cho mùa giải vừa rồi, danh hiệu đó xứng đáng thuộc về Wolverhampton Wanderers. May mắn hơn rất nhiều đội bóng vừa và nhỏ “được” các đại gia Trung Quốc “nhận nuôi” trong khoảng thời gian qua, Fosun International đang chứng tỏ họ có một kế hoạch bài bản trong việc đưa Wolves trở thành thế lực lớn tiếp theo ở EPL, với việc bổ nhiệm Nuno Espirito Santo, hay mua được những “con hàng” chất lượng như Ruben Neves, Diogo Jota và Joao Moutinho. Mối quan hệ thân thiết với siêu cò Jorge Mendes chắc chắn đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thành công của những thương vụ trên nhưng sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến khả năng cầm quân của Nuno Espirito Santo đã giúp cho Wolves không chỉ “sống sót” mà còn “sống khỏe” khi đã hoàn thành mùa bóng 18/19 ở vị trí thứ 7, đem về cho họ tấm vé “vòng gửi xe” Europa League, thành quả không tưởng đối với một đội bóng “chân ướt chân ráo” như Bầy Sói. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng xem xét một cách tổng thể và khái quát chiến thuật của Wolves từ mùa vừa rồi và liệu họ sẽ thay đổi như thế nào khi mùa bóng năm nay khởi tranh.


Về sơ đồ chiến thuật

Rất dễ nhận ra, sơ đồ chiến thuật ưa thích của Nuno là 3-5-2 và 3-4-3. Khởi đầu mùa giải với sơ đồ 3-4-3 nhưng chiến thắng ấn tượng trước Chelsea của Sarri đã thuyết phục Nuno chuyển qua sử dụng hoàn toàn sơ đồ 3-5-2. Sơ đồ này giúp ông “chèn” thêm một người nữa vào tuyến giữa, tân binh Leander Dendoncker, trong khi cặp tiền đạo Jota & Jimenez đã đền đáp niềm tin của vị HLV người Bồ Đào Nha. Dù là 3-4-3 hay 3-5-2 nhưng triết lý của Nuno không thay đổi quá nhiều giữa hai hệ thống chiến thuật.





Mở rộng chiều ngang sân bằng những hậu vệ cánh đá cao hay Wing-backs

Bất cứ ai có chút am hiểu về chiến thuật bóng đá đều biết điểm yếu lớn nhất của những sơ đồ chiến thuật 3 trung vệ (three-in-the-back) là bài toán: Bạn có thể có thêm người ở tuyến giữa (3-5-2) nhưng việc kéo dãn chiều rộng trên sân sẽ đè nặng lên vai 2 wing-back hoặc bạn sẽ có quân số khi giãn biên (3-4-3) nhưng yếu đi ở giữa sân. Lúc còn sử dụng sơ đồ 3-4-3, Bầy sói ít gặp khó khăn trong công cuộc giãn biên khi trong tay Nuno là những chiếc Exciter biết rê banh như Helder Costa, Ivan Cavaleiro hay Adama Traore nhưng khi chuyển về 3-5-2, Matt Doherty và Jonny Otto là hai người nhận trách nhiệm giãn biên thay cho những chiếc Exciter.


Jonny và Doherty kéo giãn tuyến phòng thủ của Fulham


Trong 2 người, Doherty là cầu thủ có khuynh hướng tấn công hơn và điều này được thể hiện rõ ràng mùa vừa rồi khi Matt đã “bỏ túi” cho mình 8 bàn thắng dù đá ở vị trí wing-back. Matt Doherty thường xuyên là mục tiêu của những đường chuyền vượt tuyến, nhất là những lúc Wolverhampton đối đầu với các team “siêng” pressing như Man xanh và Liverpool.



Doherty (vòng tròn đỏ) chuẩn bị nhận đường chuyền dài từ Conor Coady. Dù là “Wing-back” nhưng Matt đang dâng lên rất cao bên phía hành lang phải.


Việc sử dụng 2 wing-back để kéo giãn chiều rộng có hai tác dụng: Thứ nhất, nó cho phép 2 trung phong của Bầy Sói không bị mất sự kết nối, không cho phép các trung vệ đối phương rảnh tay; Thứ hai, nó tạo khoảng trống cho các tiền vệ trung tâm lao lên thâm nhập final third của đối phương. Ngược lại, khi phòng thủ, Wolverhampton luôn đảm bảo quân số 5 cầu thủ ở tuyến dưới, họ chấp nhận hy sinh thời gian cho đối phương “build-up” từ sân nhà và chỉ bắt đầu pressing ở giữa sân (mid-block). Lúc này, 2 tiền vệ trung tâm- thường là Dendoncker và Moutinho sẽ đảm đương nhiệm hỗ trợ phòng thủ khu vực hai hành lang cánh trong khi cặp wing-back sẽ “chăm sóc” các tiền đạo cánh.



Dendoncker press Anguissa trong khi Doherty kèm Babel.


Tương tự, nhưng ở cánh ngược lại với Joao Moutinho và người được “chăm sóc” là Tom Cairney đang lùi sâu để đón banh.


Như đã nói ở trên, Wolverhampton hiếm khi press rát trên phần sân đối phương, họ thích ép đối thủ phải luân chuyển bóng ra biên.



Jota và Jimenez khóa chặt Fabinho, buộc Liverpool phải tạm thời “chấp người”.


Tương tự, Wolves sẵn sàng để cho tuyến dưới của đối phương được thoải mái, chỉ press khi bóng bắt đầu vào tới giữa sân (Middle Third) hoặc hai bên cánh.


Đầy năng lượng khi có bóng

Đội bóng của Nuno ngoài khả năng phòng thủ cực kì bài bản còn sở hữu phương pháp lên bóng cực kì khó nhằn. Để cặp Wing-back có thể dâng cao, Nuno đã triển khai lối chơi bằng một giải pháp cực kì độc đáo và đơn giản: Ông kéo Ruben Neves về đá như một trung vệ thứ tư và 2 trung vệ sẽ được phép “giãn vị trí” (Stay wide).



Neves (vòng tròn đỏ) lùi về tuyến sau, Ryan Bennett cùng với Willy Boly giãn vị trí- La Volpecana phiên bản 3 trung vệ chăng?


Như trong hình, việc Ruben Neves lùi sâu cho phép Bầy sói vừa đảm bảo quân số khi triển khai lối chơi, vừa cho phép bộ đôi Wing-back dâng lên. Có thể nói, Ruben Neves sẽ đóng vai của Sergio Busquets, anh lùi sâu và nhận banh còn bộ đôi tiền vệ trung tâm sẽ dâng cao vào khu vực “Half-Space” (hay “hàng lang trong”) phần sân đối phương. Lúc này bộ đôi trung phong được “đá gần nhau”, dễ dàng tạo khoảng trống với những pha chạy chỗ không bóng của mình (Off-ball).

Cặp trung phong của Bầy Sói đóng vai trò cực kì quan trọng những lúc Wolverhampton tấn công với khả năng chạy chỗ và sự “thấu hiểu” người kia đang làm gì. Ví dụ, nếu một người lùi sâu, người kia sẽ dâng cao hơn, buộc hàng thủ đối phương phải lùi sâu và sẽ có khoảng trống giữa các tuyến cho đồng đội khai thác. Việc 2 trung phong Jota-Jimenez luôn “biết” được nhất cử nhất động của nhau khiến cho sự phối hợp của họ- dù là lúc có bóng hay không có bóng, luôn tạo ra những tình huống nguy hiểm cho đoàn quân của Nuno Santo. Với việc Wolves quyết định mua đứt Raul Jimenez, không có lý do gì sự hợp tác hiệu quả này sẽ không tái hiện trong mùa bóng 19/20.



Jota, Jimenez và Doherty phối hợp không bóng kéo giãn đội hình Fulham, kết quả là Jota được “rảnh tay” nhận banh.


Jota quyết định giãn biên trong khi Jimenez giữ nguyên vị trí.


Jota quyết định lùi sâu, kéo theo Matip và Dendoncker có khoảng trống để lao lên trong khi Jonny cũng hoàn toàn thoải mái để nhận banh bên cánh trái.


Ở tình huống này, Jimenez quyết định lùi sâu trong khi Jota chạy chỗ.


Jimenez lùi xuống để nhận bóng.


Thể hình và chiều cao của Jimenez cho phép anh đóng vai trò một “Target Man” với tầm hoạt động rộng, lùi sâu để đón bóng bổng rồi luân chuyển cho đồng đội hoặc chơi những đường chuyền một chạm đơn giản trong khi Jota sẽ chịu trách nhiệm khoản “chạy chỗ chiếm không gian”. Cần lưu ý ở đây là không hề có sự cứng nhắc nào và cả hai cầu thủ hoàn toàn có thể đổi vai cho nhau mà không hề có dấu hiệu mất hiệu quả vì cả hai rất “hợp rơ” và có khả năng hoạt động không bóng đa dạng.


Các tân binh

Dù đã chính thức sở hữu Jimenez và Dendoncker, Nuno vẫn quyết định bổ sung nhân tố cho đội quân của mình. Ông mượn được Jesus Vallejo dù không thể mua đứt (theo Marca) nhưng “phi vụ” ấn tượng nhất kì chuyển nhượng hè vừa rồi có lẽ là việc mua được Patrick Cutrone từ AC Milan với cái giá “rẻ mạt” 16 triệu bảng. Trong khi Vallejo theo nhiều dự đoán sẽ thay thế (ít nhất là tạm thời) cho Bennett, Cutrone mới là tâm điểm của mọi ánh nhìn khi anh được kì vọng sẽ “soán chỗ” của Jimenez hoặc Jota với khả năng hoạt động rộng của mình.



“Ngón đòn” ưa thích của Cutrone là chạy ra sau lưng hàng thủ (mũi tên đứt màu vàng)


Vũ khí chính của Cutrone là tốc độ


Cutrone hoàn toàn đủ tư duy để biết lúc nào cần có mặt ở biên hay lùi sâu.


Với các hình ảnh trên, hoàn toàn khẳng định được Patrick Cutrone không phải là mẫu cầu thủ “trâu bò không có óc” khi anh hiếm khi “đứng lì” một chỗ đợi trái banh. Chúng ta chắc chắn có thể mường tượng sự ăn khớp với một cộng sự trên hàng công để đem lại những pha bóng nguy hiểm cho Bầy Sói.


Kết Luận

Như bài phân tích đã chỉ ra, Nuno Espirito Santo đã xây dựng thành công một hệ thống kỷ luật và hiệu quả ở Wolverhampton Wanderers. Bầy sói hoàn toàn “lành lặn” sau kì chuyển nhượng và không có lý do gì, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, để HLV người Bồ phải có thay đổi lớn trong hệ thống của ông. Ở thời điểm TFA đăng bài viết này, Wolves đã tới được vòng sơ loại thứ 3 của Europa League với hệ thống 3-5-2 không thay đổi gì từ mùa giải 18/19 và vẫn chưa rõ các đội bóng EPL sẽ làm thế nào để “đối phó” hiệu quả với đoàn quân đến từ West Midlands. Không bài tẩy, không phụ thuộc quá nhiều và cầu thủ nào, nhưng chắc chắn game sẽ không dễ đối với bất kì đội bóng nào muốn khuất phục bầy sói.

644 views0 comments

Recent Posts

See All

Комментарии


bottom of page