top of page
  • Writer's pictureJason W. Ke

OVERLAP VÀ UNDERLAP

Lược dịch từ bài viết "Tactical Theory: Overlapping and underlapping runs" của Max Bergmann trên trang Total Football Analysis.


 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng mổ xẻ ưu và nhược của những pha overlap và underlap từ góc nhìn chiến thuật. Với xu hướng hiện đại của phòng thủ trong bóng đá là tìm cách ép đối phương ra biên, phe tấn công sẽ luôn phải đứng giữa ngã ba đường cùng hai lựa chọn: Xuống biên và xâm nhập khu vực 16m50 hay trả bóng về khu vực trung tâm và xem xét phương án khác.


Việc phát triển các bài đánh ở khu vực hành lang (wing-play) cho phép các đội bóng có nhiều phương án để đánh bại khối phòng thủ, từ đó tạo ra những cơ hội ghi bàn. Hai phương án hiệu quả và phổ biến nhất được các đội áp dụng khi tấn công từ cánh là overlap-underlap, và dù overlap phổ biến hơn underlap rất nhiều, underlap vẫn đem lại một số lợi thế mà overlap không thể làm được.


Cá nhân mình hy vọng bài dịch này sẽ đem đến cho các bạn một cái nhìn tổng thể và khoa học nhất về hai phương án tấn công này, hiểu rõ về lợi điểm và khuyết điểm của chúng.


Underlap là gì? Overlap là gì? Mục tiêu của chúng?

Về cơ bản, cả hai có chung định nghĩa: Đó là khi một cầu thủ thực hiện một pha chạy chỗ từ sau lưng đồng đội đang có bóng, tìm cách xâm nhập vào khoảng trống phía sau hàng thủ đối phương.


Cả hai có điểm chung: chúng đều là những công cụ hữu hiệu (trong số những công cụ hữu hiệu nhất) để tịnh tiến bóng trong phần sân của đối phương, hiển nhiên, cả hai đều có mối liên hệ mật thiết với phần lớn những tình huống gần vòng cấm. Thế nhưng, tại sao chúng lại diễn ra ở ngoài biên chứ không phải là trực diện? Vì các đội bóng hiện đại hầu hết đều phòng thủ “co cụm” (compact) và khoảng trống duy nhất còn sót lại là khu vực ngoài biên- khu vực duy nhất đáp ứng đủ các tiêu chí cần thiết để triển khai những bài đánh này: Khoảng trống- khu vực để cầu thủ không bóng chạy mà không bị kèm cặp; thời gian- vì những cầu thủ chạy chỗ cần thời gian để bứt tốc tới khoảng trống vì dù có là Mbappe đi chăng nữa thì chắc chắn không ai có thể chạy 10m trong khoảng thời gian 1 giây.


Điểm khác biệt giữa overlap và underlap nằm ở mối quan hệ của đường chạy chỗ khi đối chiếu từ góc nhìn của cầu thủ đang cầm bóng. Khi một cầu thủ thực hiện một pha overlap, anh ta sẽ luôn chạy chỗ vào khu vực gần biên hơn so với cầu thủ đang cầm bóng (cầu thủ cầm bóng hướng mặt về phía khung thành)


Tình huống di chuyển overlap để tạo lợi thế quân số khu vực hành lang, đánh thẳng vào khoảng trống phía sau hàng thủ.


Với Underlap, cầu thủ chạy chỗ sẽ vào khu vực “nách” của hậu vệ cánh và trung vệ. Thường thì mục đích của Underlap hướng nhiều hơn vào việc làm xáo trộn khối phòng thủ và đe dọa gián tiếp khu vực sau lưng hàng thủ.


Làm gì thì làm, nhưng tối thiểu, Overlap hoặc Underlap đều phải chí ít đạt được một trong hai thứ: Hoặc trực tiếp khai thác khoảng trống sau lưng hàng thủ, hoặc mở ra khoảng trống ở trung lộ để khai thác khu vực half-space hay tuyến đệm (khu vực giữa hai tuyến phòng thủ). Mục đích cuối cùng là đưa bóng vào zone 14, ở đó, các cầu thủ sẽ có nhiều lựa chọn để luân chuyển bóng hơn là ngoài hai cánh.


Về khối đội hình, mục tiêu của hai “bài” chạy cánh là để tạo lợi thế quân số ở một khu vực nhất định. Overlap- Underlap là hai chiêu đơn giản nhất mà không hề kém hiệu quả để tạo lợi thế quân số ở khu vực biên- nơi đại đa số thời gian chỉ có một hậu vệ cánh đảm trách. Hơn nữa, overlap- underlap đều có thể triển khai mà chỉ tốn rất ít thời gian, “ép” đội phòng thủ phải phản ứng rất nhanh trong rất ít thời gian, gia tăng khả năng họ mắc sai lầm, dẫn tới khoảng trống được khai thác và từ đó tạo ra cơ hội ghi bàn. Một lợi ích nữa của những pha overlap-underlap là chúng thường bắt cả khối đội hình phòng vào thế bị động, phải lùi về khung thành chứ không thể gây áp lực trực tiếp lên các cầu thủ tấn công.


Với cá nhân những cầu thủ trên sân, cả hai bài đánh đều buộc những cầu thủ đảm trách phòng ngự khu vực hành lang phải có những hành động di chuyển hay thậm chí là bỏ vị trí, nên hoàn toàn dễ hiểu khi có những đội bóng sử dụng hai bài đánh trên với mục đích câu kéo thời gian và khoảng trống cho cầu thủ đang cầm bóng. Nếu đối phương không phản ứng với tình huống chạy không bóng, họ hoàn có nguy cơ trở thành một mối nguy lớn cho khung thành đội phòng thủ.


Overlap hay Underlap?

Bây giờ, sau khi đã hiểu về khái niệm cơ bản của cả hai, chúng ta sẽ cùng xem xét một tình huống (hình dưới):


Bạn sẽ làm gì nếu như mình là cầu thủ sau lưng người cầm bóng của đội đỏ ? Overlap hay Underlap ?


Để giúp bạn có đầy đủ dữ liệu nhất có thể và qua đó đưa ra được quyết định chuẩn xác, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào các khía cạnh khác nhau của cả hai bài đánh.


Hệ thống, vị trí và chiến thuật - những thứ tạo điều kiện cho bài đánh

Về sơ đồ chiến thuật, các đội bóng với hai cầu thủ chạy cánh (tiền đạo cánh và hậu vệ cánh) sẽ là các tập thể dễ dàng thực hiện những pha bóng này nhất. Lý do là, họ đã có đủ số người cần thiết để triển khai mà không cần sự xáo trộn đáng kể nào về mặt vị trí. Điển hình, một tình huống sẽ bắt đầu bằng việc một tiền đạo cánh sẽ nhận bóng ngoài biên. Tiếp theo, hậu vệ cánh sẽ di chuyển lên để bắt đầu pha chạy chỗ. Với những hệ thống mà mỗi cánh chỉ có một cầu thủ (4-4-2 kim cương hoặc 3-5-2), một cầu thủ sẽ phải luân chuyển ra gần đường biên ngang để có thể thực hiện pha bóng. Nói tóm gọn, về mặt lý thuyết thì sơ đồ chiến thuật nào cũng có thể chơi được cả hai bài đánh, thế nhưng chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc triển khai tình huống trên sân.


Với Overlap, thường các hậu vệ biên sẽ là những cầu thủ đảm đương việc này- vị trí của họ trên sân cho phép họ làm thế mà không gặp khó khăn. Dù vậy, người thực hiện các tình huống chạy chỗ không nhất thiết phải là hậu vệ cánh; như với Atalanta và Sheffield, các trung vệ sẽ là người làm chuyện đó. Tất nhiên, các tiền vệ trung tâm hoàn toàn có khả năng làm điều tương tự, nhưng tiền vệ ít khi sở hữu tốc độ của những chân chạy cánh nên những trường hợp này thường không hay diễn ra.


Với những tình huống Underlap, trách nhiệm được đặt lên vai các tiền vệ trung tâm và hậu vệ cánh. Dù vậy, các hậu vệ cánh vẫn thiên về overlap nhiều hơn và chỉ thực hiện underlap nếu như họ đang bó vào khu vực half-space để bịt khoảng trống của những pha tấn công. Ngoài ra, các hậu vệ cánh đá chủ đạo bó vào trong (Inverted Fullback) cũng sẽ là những người chạy chủ đạo nếu thực hiện underlap.


Khi kết hợp những tình huống Over/Under cùng với triết lý “quá tải để tạo lợi thế” (Overloading to isolate), kết quả sẽ là những tình huống “2 đánh 1” cực kì bất lợi cho phe phòng thủ. Các đội bóng sẽ chủ đạo dồn người để tấn công một bên cánh, sau đó thực hiện một pha phất chéo sân để đảo cánh. Lúc này, nếu đối thủ không kịp phản ứng, hậu vệ biên của họ sẽ rơi vào thế “1 chấp 2”, kèm theo cả tá khoảng trống dành cho phe tấn công như quà khuyến mại.


Kết hợp những điều vừa rồi với yếu tố mẫu tiền đạo cánh chủ đạo là những cầu thủ “chéo chân”- thuận chân phải đá cánh trái hoặc tương tự, đội bóng tấn công sẽ không gặp quá nhiều khó khăn để tiến vào khu vực vàng trong vòng cấm địa từ những tình huống overlap hoặc Underlap.


Ưu và nhược của Overlap

Lợi điểm đầu tiên và lớn nhất của overlap là việc cầu thủ thực hiện tình huống chạy chỗ luôn là người có được góc nhìn bao quát nhất. Từ đó, anh ta có thể định hướng vị trí và có những quyết định hợp lý, hiệu quả nhất. Đây là một lợi thế không nhỏ đối với những HLV có xu hướng sử dụng các cầu thủ chạy overlap làm chân tạt chủ đạo. Đồng thời, với những tình huống overlap, half-space sẽ không bị “bít” khoảng trống, tạo điều kiện cho các cầu thủ ở zone 14 kết nối với đồng đội gần đường biên.


Bù lại, đường chạy “vòng ra ngoài” của overlap đồng nghĩa với việc họ câu kéo sự chú ý của cầu thủ phòng thủ cánh chứ không phải người đảm đương khu vực half-space. Hệ quả là, những cầu thủ đảm đương khu vực trung tâm hoàn toàn có thời gian để bịt các phương án đưa bóng vào trung lộ.



Ở những pha chạy overlap, cả hai cầu thủ tấn công đều ở trong tầm nhìn của hậu vệ cánh đối phương, nhưng chưa chắc người đang cầm bóng sẽ nhìn thấy đồng đội đang chạy không bóng. Điều này vô hình chung đem lại lợi thế cho hậu vệ cánh đối phương và đòi hỏi các cầu thủ bên tấn công phải có sự hiểu ý, nhuần nhuyễn khi triển khai overlap.


Ưu và nhược của Underlap

Các tình huống underlap luôn phức tạp hơn overlap rất nhiều do sự khác biệt cơ bản về nguyên tắc: Overlap là chạy “vòng ra sau” khối phòng thủ của đối phương trong khi Underlap thực hiện trực tiếp trong lòng khối phòng thủ. Thay vì thực hiện một đường vòng ngoài, cầu thủ chạy chỗ trong bài đánh underlap sẽ di chuyển bên trong khối đội hình của đối phương, và chính điều này sẽ tạo ra những “biến số” khác biệt cho cả phe phòng thủ lẫn tấn công.


Xét về vị trí trên sân, cầu thủ chạy chỗ trong tình huống underlap sẽ luôn gần khung thành hơn so với overlap (thường là ở half-space), hiển nhiên, anh ta là mối nguy hiểm lớn hơn đối với đội phòng thủ. Điều này dẫn tới việc anh ta sẽ nằm cao hơn trong danh sách “thứ tự pressing” của đối phương, từ đó, dễ dàng câu kéo cầu thủ phòng ngự bỏ vị trí.


Hơn nữa, mục tiêu thông thường của Underlap là kéo một cầu thủ khu vực trung tâm bỏ vị trí, bố ráp zone 14, từ đó tạo ra khoảng trống để chuyền hoặc rê bóng. Điều này trái ngược hoàn toàn với mục tiêu của Overlap là đánh vào hai cánh.


Cầu thủ trong vòng tròn đỏ - người đang chạy không bóng, đã kéo lùi tiền vệ đối phương, tạo khoảng trống cho đồng đội của mình trong khu vực half-space.


Ngoài ra, cầu thủ cầm bóng hoàn toàn có thể thực hiện một đường chuyền xẻ nách tới chân người đang chạy chỗ. Bản thân đường chuyền xẻ nách đã là một vũ khí chết người, trong trường hợp này, nếu bóng tới được đích, người nhận sẽ thu hút được 2-3 cầu thủ đối phương (trung vệ và hậu vệ cánh, tiền vệ tham gia phòng ngự).



Bài đánh Underlap còn có một lợi thế quan trọng nữa so với overlap: Đường chạy cùa cầu thủ nhận bóng nằm ở điểm mù của tuyến phòng thủ. Việc không thể toàn tâm toàn ý chăm sóc cầu thủ tự do khiến cho việc chặn đường chuyền gần như bất khả thi, đồng thời, nó cho phép người giữ bóng được phép “múa chân giả bộ chuyền” khi đối phương bị động, không rõ vị trí của cầu thủ đang chạy chỗ. Ngược lại, cầu thủ cầm bóng là người nắm trong tay tất cả quyền chủ động, luôn chắc chắn về vị trí của những người đồng đội trong khu vực. Điều này cho phép anh ta canh chỉnh những đường chuyền chuẩn xác vào khu vực vàng.


“Góc nhìn toàn cảnh” của đội tấn công còn giúp cho họ dễ dàng gây xáo trộn vị trí của tuyến phòng thủ mỗi khi họ triển khai Underlap. Với các cầu thủ (bên phòng ngự) đang trực tiếp tham gia vào tình huống, họ phụ thuộc rất nhiều vào đồng đội để bảo toàn khối đội hình, không để hở những khoảng trống chết người. Các cầu thủ bên tấn công hoàn toàn có thể lợi dụng “điểm mù” để kéo những thành viên trong tuyến phòng ngự rời vị trí mà không hề có sự bọc lót. Bên cạnh đó, người đang chú ý vào cầu thủ có bóng sẽ rất khó để nhanh chóng đảo trọng tâm linh hoạt để đổi vị trí. Tất cả những yếu tố này hợp thành cho phép người cầm bóng thực hiện một pha rê bóng kỹ thuật, xâm nhập khoảng trống vừa tạo ra.


Với cả tá ưu điểm vừa nêu trên, không khó để nghĩ rằng underlap là bài đánh “siêu việt” so với Overlap, dù vậy, nó vẫn có những hạn chế riêng. Với việc có một cầu thủ đột kích thẳng vào half-space, sẽ có một khoảng thời gian anh ta “chắn” đường chuyền vào trung lộ, nếu không cẩn thận, đường chuyền vào trung tâm sẽ trúng người đang chạy chỗ và bị cướp.



Underlap còn gây bất lợi cho cả người nhận bóng: Tư thế nhận bóng của anh ta không hề tối ưu, nếu không muốn nói là tệ. Hơn nữa, anh ta không thể tập trung vào quả bóng và những diễn biến trong vòng 16m50 cùng một lúc. Dù vậy, những cầu thủ có cảm quan vị trí tốt có thể, ít nhất là trên lý thuyết, phần nào đó bù đắp cho khuyết điểm này. Cuối cùng, người nhận bóng sẽ ở trong khu vực đã bị đối phương che chắn nhưng vì khoảng thời gian thực hiện underlap là tương đối ngắn, đây là rủi ro có thể chấp nhận được.



Về chiến thuật tổng thể, Overlap gần như là lựa chọn khả dĩ duy nhất khi đối đầu với những khối phòng thủ chuyên co cụm, không có khoảng trống ở trung lộ (Burnley chẳng hạn), underlap là phương án hợp lý hơn nếu người cầm bóng có cơ hội thực hiện những tình huống 1 vs 1. Đồng thời, nếu cầu thủ chạy cánh được chăm sóc quá kĩ càng, underlap cũng không phải là lựa chọn tối ưu so với overlap.


Underlap hay Overlap ?

Sau khi xét tất cả yếu tố ưu nhược khuyết của từng bài đánh, đã đến lúc đưa ra lựa chọn: Underlap hay Overlap.



Như đã viết ở trên, lựa chọn của chúng ta phụ thuộc vào các yếu tố:

  • Chân thuận của người cầm bóng

  • Cầu thủ cầm bóng có phải là người tạo đột biến với bóng trong chân ?

  • Anh ta có xu hướng cắt vào trong hay giãn rộng

  • Tiền đạo/ tiền vệ cánh đối phương đang làm gì ?

  • Đội tấn công “thích” tacadada hay chuyền chọt xuyên phá tuyến phòng thủ ?


Với những bài đánh có nhiều biến thể và dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài như Underlap và Overlap, chúng ta không thể nào có được một câu trả lời ngắn gọn “có hoặc không.”


Trong tình huống ví dụ, nếu đội tấn công quyết định thực hiện Overlap, họ sẽ buộc hậu vệ cánh đối phương phải giữ vị trí vì bị áp đảo quân số, dẫn tới anh ta chỉ có lựa chọn lùi về gần khung thành. Nếu canh thời gian chuẩn, đội tấn công sẽ có cơ hội vòng ra sau lưng cả khối phòng thủ. Tùy theo sơ đồ đội hình, cầu thủ nhận bóng còn có cơ hội rê bóng thẳng vào vòng cấm.


Nếu họ quyết định Underlap, họ sẽ mất đi lợi thế quân số như trong tình huống Overlap khi cầu thủ chạy chỗ sẽ xâm nhập vào phần không gian đã bị che chắn. Dù vậy, đây không phải là điều quá tiêu cực nếu đội tấn công sở hữu chân rê khủng như Adama Traore, Saint-Maximin hay thậm chí là Sterling. Hơn nữa, chắc chắn cầu thủ chạy chỗ trong tình huống Underlap sẽ câu kéo được ít nhất một người rời vị trí, mở ra khoảng trống cho người khác. Nếu thành công, Underlap sẽ mở đường vào thẳng vòng cấm đối phương từ khu vực half-space thay vì phải “đi đường vòng” như Overlap.


Overlap hay Underlap xong thì làm gì?

Trước tiên, chúng ta sẽ xem qua những phương án hướng tới mục tiêu vòng ra sau khối phòng thủ. “Nước cờ” đơn giản nhất là một đường chuyền vào khoảng trống cho người chạy không bóng và anh ta sẽ có cơ hội thực hiện quả tạt. Khỏi phải nói, đây là mánh lới cơ bản nhất và được áp dụng nhiều nhất, đặc biệt là với những đội áp dụng tacadada làm lối chơi chủ đạo.



Phương án tiếp theo, vẫn cùng mục tiêu tìm khoảng trống phía sau khối phòng thủ, là đường chuyền xẻ nách cho cầu thủ đang chạy underlap. Việc cầu thủ nhận bóng đã ở sẵn trong khu vực half-space khiến cho những đường “cut-back” trở nên đặc biệt nguy hiểm và thường được ưu tiên trong trường hợp này. Hơn nữa, chuyền “cut-back” còn thêm phần thuận lợi cho cú dứt điểm cầu thủ nhận bóng khi anh ta không phải nhảy lên như những đường tạt tầm cao, hoặc lo lắng về độ nảy của bóng với những quả tạt gầm.



Ngoài việc khoan thẳng vào vào hai cánh hay half-space, bên tấn công còn có lựa chọn đưa bóng trở lại zone 14 mà không xuống biên. Việc đưa bóng trở lại trung lộ đem đến nhiều phương án tấn công hơn và nếu tình thế cho phép, họ có thể thực hiện một pha đảo cánh nhanh hoặc chuyền xẻ nách, trực tiếp tạo ra tình huống nguy hiểm lên khung thành đối phương. Như đã nói ở trên, những tình huống Underlap luôn luôn ít nhiều câu kéo được một đến vài cầu thủ đối phương phải bỏ vị trí, từ đó tạo ra những khu vực bên tấn công có thể khai thác được.



Lưu ý thêm, những tình huống Overlap mặc dù không có tác dụng câu kéo đối phương bỏ vị trí, nhưng hoàn toàn có thể buộc phía phòng thủ phải xê dịch khối đội hình sang sang một bên. Điều này cũng cho phép bên tấn công tận dụng tình huống với một đường chuyển chuyển cánh nhanh như với Underlap.


Cuối cùng, và có lẽ là phương án dễ nhận ra nhất, đó là cầu thủ cầm bóng trực tiếp xâm nhập vòng cấm với một tình huống lạng lách đánh võng. Mục tiêu cuối cùng của anh ta có thể là một cú sút, một đường chuyền hay thậm chí là quả tạt. Về tập thể, Liverpool là đội áp dụng mánh lới này nhiều nhất khi họ có hai chân rê rất khủng là Salah và Mane. Về cá nhân, đó là Jadon Sancho. Dù đây là một phương án rất hấp dẫn và dễ tạo highlight, nó đòi hỏi các hậu vệ cánh phải phối hợp nhuần nhuyễn với tiền đạo, luôn chạy chỗ overlap hoặc underlap để câu kéo cầu thủ phòng ngự bên đối phương, tạo khoảng trống cho tiền đạo cánh.





Nên nhớ rằng, có hàng ngàn bài đánh khác nhau mà các đội bóng có thể áp dụng và bản thân chúng có thể biến đổi theo cả ngàn cách nữa tùy thuộc vào tình huống. Vì thời lượng bài viết không cho phép, tác giả sẽ không đi sâu vào từng phương án. Đây chỉ là cái nhìn tổng quát nhất có thể với những mánh lới phổ biến nhất và hay được áp dụng nhất.


Kết luận

Bản thân Overlap hay Underlap đều là những phương án tấn công cực kì hiệu quả với mục tiêu tạo sự hỗn loạn tuyến phòng thủ, mục đích cuối cùng là để tạo khoảng trống và khai thác chúng một cách hiệu quả nhất. Việc triển khai, biến thể hay thậm chí là có sử dụng hay không đều phần nào đó dựa trên hệ thống chiện thuật và lối chơi trên sân của các đội bóng.


Dù cả hai đều có ưu nhược khác nhau, các đội bóng không nên chỉ sử dụng một trong hai phương án mà bỏ qua cái còn lại. Việc kết hợp, hoán đổi khu vực thực hiện và cho phép ứng biến dựa vào tình hình trên sân, đặc biệt là tình thế quân số sẽ luôn là phương án hiệu quả nhất khi chúng luôn bắt đối phương phải bị động, không thể có hành động cụ thể nào để “đi tắt đón đầu” lối chơi.





9,189 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page