Lược dịch từ bài viết "Amateur Numbers: Expected Goals (xG)" của trang The Amateurs. trên Medium.
Đầu tháng 10 năm 2019, Tottenham Hotspur bị vùi dập bởi Bayern Munich ngay trên sân nhà của mình. Nếu như họ chỉ thua với cách biệt 1-2 bàn, chuyện sẽ chả có gì đáng nói cả. Thế nhưng, Spurs thất bại trước đội khách với tỉ số không tưởng 2–7. Nhìn vào các con số thống kê sau trận đấu, Spurs có 15 cú sút so với con số 19 của Bayern. Kể cả khi chúng ta đào sâu thêm vào thông số dứt điểm, cả hai đội cũng đều không quá khác biệt. Đội chủ nhà có tới 8 cú dứt điểm trúng khung thành trong trận đấu này, trong khi Die Roten cũng chỉ nhiều hơn Spurs có 2 cú dứt điểm mà thôi.
Mọi thứ không chỉ dừng lại ở đấy. Opta cũng ghi nhận được một con số khá tương đồng ở hạng mục expected goals của cả hai đội; Tottenham với 1.94 so với con số 1.34 của Bayern. Nếu nhìn vào hai con số này, đáng lẽ ra đương kim á quân của Champions League mới phải là đội ghi được nhiều bàn thắng hơn đại diện đến từ nước Đức, chứ không phải để thủng lưới nhiều hơn đến 5 bàn. Nhưng đợi đã, expected goals là gì?
Expected goals (xG) là một con số thống kê vừa dùng để tính toán chất lượng của một tình huống ghi bàn, vừa để cho thấy khả năng trở thành bàn thắng của một tình huống. Việc sử dụng xG đang dần trở nên phổ biến hơn trong bóng đá ngày nay bởi kết quả của một trận đấu thường không phản ánh đúng thực tế những gì đã diễn ra trên sân.
xG sử dụng thước đo từ 0 đến 1 trên mỗi cú sút. Nếu giá trị xG của một cú sút càng gần tới 1, xác suất cú sút đó trở thành bàn thắng sẽ càng lớn và ngược lại. Ví dụ, một cú đá penalty có giá trị 0.76 xG. Giá trị này được dựa theo những dữ liệu từ xuyên suốt lịch sử bóng đá thế giới, khi 76% cú đá penalty được chuyển hóa thành bàn thắng.
Có rất nhiều cách khác nhau mà các công ty phân tích dữ liệu sử dụng để tính toán xG ở trong một trận đấu bóng đá. Từ kiểu chuyền, các tình huống trên sân cho đến bộ phận nào của cơ thể được sử dụng để dứt điểm, thậm chí những dữ liệu trong lịch sử cũng có thể được sử dụng để tính toán chất lượng các cơ hội. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu hai cách phổ biến nhất được sử dụng để tính toán xG.
Tính xG như thế nào?
Nói thật thì… bọn tôi đéo biết.
Không có bất kỳ cách tính đúng giá trị xG cả. Mỗi một công ty sẽ có một mô hình tính toán riêng của họ, tuy nhiên phần lớn các công ty sẽ dựa theo những khía cạnh dưới đây để đưa ra tính toán của mình (cộng thêm những khía cạnh được nhắc ở phía trên nữa):
Số lượng cầu thủ phòng ngự xung quanh cầu thủ tấn công
Khoảng cách của các cầu thủ phòng ngự
Kiểu chuyền nào được sử dụng để đưa bóng tới vị trí của cầu thủ tấn công
Vị trí của thủ môn
Ngoài ra còn có các tình huống dứt điểm khác nhau mà chúng ta phải tính đến, như:
Dứt điểm từ tình huống mở (open play)
Penalty
Đá phạt (trực tiếp hoặc gián tiếp)
Phạt góc
Rebounds (bóng bật ra từ tay thủ môn, trúng khung gỗ, ...)
Nhưng trên hành trình tìm kiếm giá trị đích thực của xG, chúng tôi đã tìm thấy một trong những mô hình tính toán xG đơn giản nhất như sau:
xG=0.10×số cú dứt điểm
Trong trường hợp này, tất cả những cú sút đều đều có giá trị ngang bằng nhau, bởi một cú sút trung bình sẽ có 10% trở thành bàn thắng. Mô hình này không được thực tế cho lắm bởi nó coi tất cả cú sút ở bất cứ tình huống hay khu vực nào trên sân đều có giá trị ngang bằng nhau.
Hai khía cạnh được sử dụng nhiều nhất trong việc tính toán xG sẽ được giải thích ở phần dưới đây:
Khoảng cách dứt điểm
Dựa vào shot chart ở phía trên, cú sút nào sẽ có xG tốt hơn?
Hãy nhìn vào shot chart ở phía trên. Về mặt logic mà nói, một cú tap-in tầm gần rõ ràng có khả năng ăn bàn cao hơn một cú dứt điểm từ xa. Do đó, cú sút ở vị trí A sẽ có xG lớn hơn so với cú sút ở vị trí B.
Lấy ví dụ, hãy nhìn vào bàn thắng mà James Ward-Prowse ghi được trong trận đấu gặp Manchester City vào tháng 11 năm 2019. Trong tình huống đó, Ederson cố gắng bắt bóng những bằng một cách nào đó bóng đá trượt ra khỏi tay anh và lăn đến vị trí của Ward-Prowse. Tiền vệ của Southampton chỉ đơn giản là đệm bóng vào lưới trống để mở tỉ số trận đấu. Do vậy, pha dứt điểm tầm gần này có một giá trị xG cực cao là 0.87.
Pha đệm bóng ghi bàn này của James Ward-Prowse có giá trị xG lên tới 0.87.
Bây giờ chúng ta sẽ rời đảo quốc sương mù và tiến vào lục địa châu Âu, cụ thể ở đây là Pháp, nơi mà Stade Brestois đánh bại Toulouse ngay trên sân nhà của đối thủ. Trong trận đấu diễn ra vào giữa tháng 1 đó, Hianga’a Mbock ghi một bàn thắng tuyệt đẹp ở phút thứ 79 của trận đấu. Cú sút chưởng ở khoảng cách 35 yard chỉ có giá trị xG cực thấp là 0.02. Hiểu một cách đơn giản, giá trị này cho thấy bất kỳ cầu thủ nào nếu thực hiện cú dứt điểm này sẽ chỉ có 2% cơ hội làm rung lưới đối phương.
Cú sút 35 yard táo bạo của Mbock chỉ có giá trị 0.02 xG.
Hơn thế nữa, giá trị xG cao chưa chắc đã đảm bảo cho việc có bàn thắng. Lấy ví dụ, tình huống bỏ lỡ của Brandon Williams khi Manchester United đánh bại Norwich City 4-0 vào tháng 1. Cú dứt điểm chỉ cách 1 yard so với khung thành của Williams có giá trị xG lên tới 0.71. Đáng tiếc là cú dứt điểm của cầu thủ trẻ này lại không kết thúc ở trong lưới, mà lại kết thúc ở trên khán đài của sân Old Trafford.
Ối dồi ôi em tôi.
Trong những con số thống kê thông thường, tình huống của Williams sẽ chỉ được tính như một cú dứt điểm chệch khung thành vô giá trị, trong khi thực tế lại cho thấy điều ngược lại. United có thể đã có thêm một bàn thắng từ cơ hội rõ rệt này. May mắn là Quỷ đỏ đang dẫn trước đối thủ ba bàn, khiến cho pha bỏ lỡ của Williams có thể dễ dàng được bỏ qua. Lợi ích của việc phân tích chính xác hơn chất lượng một cú sút là lý do chính vì sao xG đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trong bóng đá.
Góc sút
Dựa vào shot chart ở phía trên, cầu thủ nào sẽ có giá trị xG tốt hơn?
Lại một shot chart khác, lại một câu hỏi khác. Cầu thủ nào sẽ có giá trị xG tốt hơn với cú sút của mình? Về logic, một cú dứt điểm ở góc mở sẽ dễ trở thành bàn thắng hơn so với một cú sút từ góc hẹp. Do đó, cú sút được thực hiện từ điểm Y ở hình ảnh trên sẽ có xG lớn hơn so với cú sút đến từ điểm X.
Hãy quay ngược thời gian trở về tháng 2 năm 2016. Thời điểm mà Mohamed Salah — khi đó vẫn còn là một cầu thủ của AS Roma — ghi bàn ở một góc sút cực hẹp trong trận đấu với Palermo. Bàn thắng khá giống với tình huống ấn định tỉ số 2-0 của chính Salah trong trận đấu giữa Liverpool với RB Salzburg tại UEFA Champions League mùa giải năm nay. Bàn thắng của Salah ghi được trong trận gặp Palermo chỉ có giá trị là 0.13 xG; tương đương với việc chỉ có 13% cơ hội trở thành bàn thắng.
Bàn thắng ở góc hẹp của Salah trong trận đấu với Palermo chỉ có giá trị xG là 0.13.
Ngược lại, tình huống ghi bàn ấn định tỉ số của Son Heung Min trong trận đấu với Manchester City diễn ra vào đầu tháng 2 năm nay có giá trị xG là 0.30. Điều này có nghĩa là tình huống dứt điểm của Son có nhiều hơn tới 17% cơ hội để trở thành bàn thắng so với tình huống của Salah, mặc dù cầu thủ người Hàn Quốc thực hiện cú sút ở một khoảng cách xa hơn. Son dứt điểm ở ngay rìa vòng cấm, cách khoảng 17-yard tới khung thành, xa hơn so với cú dứt điểm của Salah, được thực hiện ở khoảng cách 13-yard tới khung thành. Có sự chênh lệch đáng kể về giá trị xG như vậy là bởi sự khác biệt ở góc sút của hai cầu thủ; Son dứt điểm ở một góc rộng, trong khi Salah dứt điểm ở một góc hẹp.
Cú dứt điểm ở góc rộng này có giá trị 0.30 xG.
xG của cầu thủ và đội bóng?
Chắc các bạn cũng đã qua các trang web cung cấp số liệu như understat hay footballxg và nhận thấy rằng giá trị xG ở đây không ở dưới dạng phần trăm như ở trên (hay nói cách khác là từ 0 đến 1).
Bảng thống kê dưới đây cho thấy 10 chân sút xuất sắc nhất tại Premier League mùa giải này (tại thời điểm viết bài):
Bảng thống kê những chân sút xuất sắc nhất Premier League mùa giải này kèm theo đó là giá trị xG của mỗi cầu thủ.
Jamie Vardy, người dẫn đầu danh sách này, có 17 bàn thắng với 12.94 xG. Giá trị xG này được lấy từ việc tích lũy tất cả giá trị xG từ mọi cú sút mà Vardy đã thực hiện cho đến lúc này. Hãy nhìn vào các con số, với tất cả các cú sút mà anh ấy đã thực hiện, đáng lẽ anh chỉ ghi được có 13 bàn thắng trong khi thực tế con số đó lại là 17. Điều đó có nghĩa là Vardy có thể chuyển hóa các cơ hội của mình thành bàn thắng, kể cả đó có là một tình huống khó đi chăng nữa.
Một trong những tình huống mà Vardy chuyển hóa thành công một cú sút xG thấp. Anh đưa bóng vào lưới thành công dù giá trị cú sút chỉ là 0.06 xG.
Để hiểu rõ hơn việc khoảng cách và góc sút có ảnh hưởng như thế nào đến giá trị xG ở trong một trận đấu, chúng ta hãy xem qua những ví dụ dưới đây:
Thống kê trận đấu giữa Arsenal và Manchester United (1/1/2020).
Đầu tiên, đó là trận đấu mở đầu năm mới khi Arsenal đánh bại Manchester United trên sân nhà của mình. Cả hai đội đều có 10 cú dứt điểm trong trận đấu này; thậm chí cũng bằng nhau ở số cú dứt điểm trúng đích với 4 lần. Tuy nhiên, Arsenal có xG tốt hơn so với đội khách. The Gunners có 1.85 xG, trong khi United chỉ có 0.72; đúng với tỉ số 2-0 của trận đấu. Các bạn có thể đoán được vì sao điều này lại có thể xảy ra chứ?
Biểu đồ thể hiện vị trí dứt điểm của Arsenal (màu xanh) và United (màu vàng) trong trận đấu.
Nhìn vào biểu đồ trên, chúng ta có thể thấy Arsenal (màu xanh) thực hiện những cú sút của họ thường xuyên hơn từ bên trong khu vực 16 yard. Tổng cộng, họ đã thực hiện tám cú sút từ đó và chỉ có hai cú sút là từ ngoài vòng cấm. Do đó, họ có thể chuyển hóa hai trong số các cú sút trong vòng cấm đó thành hai bàn thắng của họ (sao). Bây giờ, hãy xem các vị trí dứt điểm của United (màu vàng). Đội khách đã dứt điểm 5 lần từ ngoài vòng cấm; nhiều hơn ba lần so với Arsenal. Đây là lý do tại sao chất lượng cú sút của United kém hơn so với đội chủ nhà.
Tiếp theo, hãy nhìn vào các con số thống kê trong chiến thắng của Liverpool trước Southampton tại Anfield cách đây chưa lâu:
Thống kê trận đấu Liverpool vs Southampton (1/2/2020).
Liverpool ghi 4 bàn với 3.66 xG từ tổng cộng 16 cú dứt điểm. Bên phía bên kia, Southampton thực hiện 17 cú dứt điểm; nhiều hơn đội chủ nhà 1 pha dứt điểm. Đổi lại the Saints nhận được gì? Chỉ là 0.72 xG và … không bàn thắng. Tại sao lại thế? Cùng nhìn vào biểu đồ vị trí dứt điểm của hai đội ở trong trận đấu này:
Biểu đồ vị trí dứt điểm của Liverpool (màu xanh) và Southampton (màu vàng).
Từ biểu đồ trên chúng ta có thể thấy rõ ràng Liverpool (màu xanh) thực hiện những cú sút ở một khoảng cách gần hơn. Họ có tất cả 11 cú dứt điểm ở bên trong vòng cấm; thậm chí là còn ở khu vực phía trước khung thành. Trong khi đó, Southampton (màu vàng) cũng có 11 cú dứt điểm trong khu vực 16-yard, nhưng đa số là ở một góc hẹp hơn so với của Liverpool. Hơn thế nữa, chỉ 1 trong số đó là ở trong khu vực 6-yard box. Việc the Saints không thể thực hiện những cú dứt điểm tốt hơn; đặc biệt là từ một góc sút tốt hơn chính là lời giải thích cho việc xG của họ thấp trong trận đấu này.
Ngày nay, việc sử dụng những thống kê nâng cao đang trở nên phổ biến hơn vì nó giúp chúng ta phân tích các trận đấu. Lý do là kiểu dữ liệu này chính xác và thực tế hơn so với những ý kiến mang đầy cảm tính đến từ người hâm mộ. Sự xuất hiện của expected goals và các biến thể của nó giúp những người hâm mộ bóng đá có thể xem trận đấu theo một cách chuyên sâu hơn.
Thật vậy, chúng ta cần thêm thời gian để có thể hiểu được kiểu số liệu vẫn còn tương đối mới này. Nhưng, nếu nó cho phép chúng ta - những người hâm mộ - phân tích các trận đấu một cách khôn ngoan hơn thì tại sao không nhỉ?
Comments