top of page
Writer's pictureJason W. Ke

Vị trí trung vệ- lịch sử, chuyên môn và sự tiến hóa theo từng thời kì (phần 3)

Tác giả: Nguyễn Đình Hùng - https://www.facebook.com/erik.le.fantom

Bài viết có tham khảo các clip sau đây của Tifo football:

“Tactics Explained- Catenaccio”

“Helenio Herrera: More Famous Than His Player”

“Tactics Explained- The High Defensive Line

“Arrigo Sacchi: A Brief History of”

Và các bài báo, tư liệu sau đây từ trên Internet:

“How To Scout: Ball Playing Defenders”

“Wikipedia- Josep Guardiola, Jurgen Klopp”

“Chiến thuật bóng đá a bờ cờ”


 
Thời đại thứ ba: Jurgen Klopp Vs Josep “Pep” Guardiola, Gegenpress vs Judges de Posiciones, the “Ball Playing Defender”

Tháng 5 năm 2007, Joan Laporta tuyên bố người thừa kế chiếc ghế nóng do Frank Rijkaard để lại sau mùa giải 2006-2007 sẽ không phải là ai khác ngoài một cái tên “lạ hoắc”: Josep “Pep” Guardiola. Và phần còn lại, như người ta vẫn hay nói, đã trở thành lịch sử. Cuộc cách mạng thứ ba của nền bóng đá thế giới đã bắt đầu như vậy, với bóng đá Tây Ban Nha thống trị không đối thủ trong suốt 6 năm từ Euro 2008 đến World Cup 2014, còn cá nhân Pep thì “đi tới đâu giành danh hiệu tới đó.” Phải mất tới 7 năm sau cái ngày chớm hạ tháng 5, một “đối trọng” mới xuất hiện, đem lại sự cân bằng cho nền bóng đá thế giới: Jurgen Klopp.


Về tiểu sử và lối chơi của cả Klopp lẫn Guardiola, có rất nhiều người đã viết và chắc chắn viết hay hơn mình cả tỉ lần nên một lần nữa, mình xin phép không được đề cập đến ở đây. Trong phần cuối loạt bài này, trọng tâm sẽ được dành cho khâu phòng thủ, của Pep và phần nào đó, Klopp. Mục đích chính của mình vẫn sẽ là xem xét lối chơi chính của từng thời đại, từ đó giải thích (ít nhất là theo ý hiểu của mình) sự tiến hóa và yêu cầu đến từ những trung vệ theo từng giai đoạn phát triển bóng đá.

“Luật 6 giây”; “Gegenpress”, sự tổng hòa của các triết lý

Tất cả các đội bóng của Pep đều press rất tốt, điều này không cần phải nói. Nếu như bạn không để ý thì thành thử mà nói, cách press và gián tiếp là cách phòng thủ của Klopp và Guardiola khá khác nhau. Ở Barcelona, nguyên tắc pressing của Guardiola có cái tên “Luật 6 giây”: Về lý thuyết, Barcelona (và các đội sau này của Pep) sẽ press “rát” nhất ở khu vực final third đối phương, mục đích hạn chế khoảng trống triển khai bóng và “đánh cược” vào khả năng mắc sai lầm của thủ môn hay trung vệ đối phương. Cần lưu ý, giai đoạn trước 2012, các trung vệ vẫn chưa cần chơi chân nhiều nên quy luật thông thường là các đội sẽ triển khai trung vệ theo cặp “1 khôn 1 ngu”. Nói theo kiểu “dùi đục chấm mắm nêm” nó là thế, cơ bản, cặp trung vệ sẽ có 1 người có kỹ thuật, biết chơi chân chút đỉnh, được gác thêm nhiệm vụ luân chuyển banh, người còn lại sẽ làm máy quét, trách nhiệm là đi “đánh tay bo” giành lại trái banh rồi chuyền lại cho người đá cặp với mình. Trở lại với “luật 6 giây”, khoảng thời gian 6 giây đầu tiên sau khi lấy lại bóng được cho là khoảng thời gian dễ phạm sai lầm nhất khi đội có bóng vẫn chưa kịp lấy lại đội hình và việc gây sức ép có cơ hội tốt để giành lại bóng. Thế nhưng sau 6 giây thì sao? Đó chính là sự khác biệt giữa “luật 6 giây” và “Gegenpress”. Sau 6 giây, những đội không đá theo gegenpress chủ yếu tìm cách trì hoãn (delay) đợt tấn công, lui về final third đội nhà (hay defensive third) để phòng thủ, còn những đội đá theo phong cách Gegenpress sẽ tổ chức triển khai pressing với mục tiêu không cho đối thủ có thời gian hay không gian để xử lý bóng. Trích lời “Chiến thuật bóng đá a bờ cờ”:


Càng có nhiều khoảng trống, anh càng có nhiều thời gian để kiểm soát bóng và đưa ra những quyết định?

- Trên lý thuyết thì giữa chúng có sự liên quan, như anh nói là anh càng có nhiều khoảng trống ‘khi có bóng’, anh càng có nhiều thời gian ‘khi có bóng’.

Khi anh đang nắm quyền kiểm soát bóng và đang tấn công, anh sẽ muốn có cả hai thứ.

Tất cả những bài bản tấn công và chiến lược tấn công của anh sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố sống còn này – anh phải tạo ra được khoảng trống cần thiết ở một phần ba sân của đối thủ để có thể khiến họ bị tổn hại; vừa phải có thời gian khi có bóng cần thiết để có thể có cơ hội khai thác khoảng trống ấy.

Nếu đối thủ của anh cứ thế biếu không cho anh cả khoảng trống lẫn thời gian, thì đó có thể xem là một hành động tự sát của họ, và anh chắc chắn sẽ có thể hủy diệt họ.

Đó là lý do vì sao trong bóng đá hiện đại anh hiếm khi có cả hai thứ cùng lúc.

Tuy nhiên tùy thuộc vào chiến lược phòng ngự của đối phương, họ có thể chủ động bỏ cái này hoặc cái kia.

Nếu họ là đội chơi chủ động (pressing trên toàn mặt sân), anh sẽ có khoảng trống (nhờ việc đối phương của anh để lại khoảng trống sau lưng họ khi tổ chức pressing) nhưng anh sẽ không có thời gian ‘khi có bóng’.

Nếu họ chơi lùi sâu và không áp sát, anh sẽ có thời gian, nhưng lại bị hạn chế về mặt khoảng trống.

Tất nhiên, nếu anh là một đội chơi phòng ngự-phản công, anh luôn sẵn lòng hi sinh thời gian ‘khi có bóng’ để có thể có thêm chút ít khoảng trống.

Trong bóng đá hiện đại, anh chỉ có thể chọn giữa khoảng trống và thời gian.


Đó là cách ngắn gọn nhất mà mình biết để nói về trọng tâm của bóng đá hiện đại- cuộc chiến giữa “khoảng trống” và “thời gian” (cầm bóng). Chung quy lại, nó ảnh hưởng thế nào đến lối chơi của các trung vệ?

The Ball Playing Defender (BPD), mối quan hệ hậu vệ- hệ thống và trường hợp kì lạ của Harry Maguire

Để đối đầu với việc pressing dồn dập và “cao” trên sân, các đội bóng chuyển sang sử dụng những trung vệ biết chơi chân, hay “Ball Playing Defender”. Các trung vệ, ngoài khả năng phòng ngự vốn có của mình giờ đây còn phải “học tập” nhãn quan chuyền bóng của các cầu thủ sáng tạo (Playmaker), mục tiêu nhằm hỗ trợ đội nhà luân chuyển bóng, vượt qua các lớp press hay thậm chí là “tự làm playmaker” khi những cầu thủ chịu trách nhiệm triển khai lối chơi được “chăm sóc” kĩ càng.


Với các tuyến pressing, nhiệm vụ của các trung vệ khi hỗ trợ tấn công là kéo banh và "xuyên phá các lớp phòng thủ này. Trong hình là các "tuyến pressing" khi hai sơ đồ 4-4-2 và 4-2-3-1 đối đầu với nhau.

Một điều khá thú vị của bóng đá hiện đại là, các “trung vệ chơi chân” thường có xuất phát điểm… không phải ở vị trí trung vệ. Sergio Ramos khởi đầu sự nghiệp “chém thuê” cho Real Madrid ở vị trí hậu vệ biên phải, Jan Vertonghen và Toby Alderweireld xuất thân là tiền vệ trung tâm cho tới cá biệt nhất có John Stones từng… chạy cánh. Gần đây nhất, tài năng trẻ Juan Foyth của Spurs từng đá ở giữa sân với vai trò… Regista. Mãi cho tới tận một hai năm trở lại đây, “công thức chế tạo” một BPD khá ngộ nghĩnh: Tìm một cầu thủ ở vị trí khác, có nhãn quan chuyền bóng, cao lớn là một điểm cộng cùng với một tí năng khiếu phòng thủ, kéo anh ta về đá trước thủ môn rồi tu luyện tư duy phòng thủ cho cầu thủ đó.


Khả năng chuyền dài của Jan Vertonghen sau khi anh "thoát" lớp pressing đầu tiên

John Stones sử dụng khả năng kéo bóng của mình, không cho phép United thu gọn đội hình

Juan Foyth chạy đua với Wilfried Zaha. Bạn nghĩ ai là người thắng cuộc ?

Song hành cùng với cái “khoa học hóa” của bóng đá, khía cạnh tâm lý- tư duy chơi bóng càng ngày càng được đề cao, nếu không muốn nói nó đã trở thành một thành phần bắt buộc của môn thể thao vua và theo quan điểm cá nhân của mình, vị trí trung vệ vừa được lợi, vừa dính bất lợi từ những phát triển đó. Những cầu thủ phòng ngự hiện đại phải có một cái đầu cực lạnh và bản lĩnh cực cao, cùng với khả năng hỗ trợ tấn công cùng với tư duy phòng ngự. Xét ra cho cùng, những cầu thủ đáp ứng được yêu cầu này ngay từ lúc còn rất trẻ thường đá (ít nhất ở thời điểm đó) hai bên các trung vệ hay vị trí “số 6”.


Với xuất phát điểm là những vị trí yêu cầu tốc độ cao, không khó hiểu khi các trung vệ nổi lên trong thập niên 2010 sở hữu khả năng bứt tốc cùng tốc độ không hề kém cạnh so với các trung phong. Điều này càng trở nên cần thiết khi song hành cùng “Cuộc cách mạng thứ ba của bóng đá” là sự xuất hiện của những “Inside Forward”-Tiền đạo xuất phát ở cánh nhưng sẽ cắt vào trong khi có bóng. Những tiền đạo này đa số đều là “chuyên gia trộm chó” với khả năng chạy nước rút cực kì chết người, cộng với kĩ thuật cá nhân hay khả năng “luồn lách, đánh võng” (dribble), các trung vệ ngày nay cần tốc độ hơn bao giờ hết.


Thế những điều trên liên quan tới Harry Maguire như thế nào? Câu trả lời là, mối quan hệ giữa trung vệ và hệ thống đội bóng. Như đã nói ở trên, bóng đá hiện đại là bài toán cân bằng (zero-sum game) giữa bóngkhoảng trống. Mẫu số chung của bài toán này là tốc độ hay cụ thể hơn, tốc độ của các cầu thủ trong hệ thống đó. Tốc độ giúp cầu thủ có bóng thoát người kèm mình, có thêm thời gian “chơi bóng”, ngược lại, tốc độ giúp cho đội còn lại hạn chế khoảng trống cầu thủ cầm banh có cho mình. Nếu không có tốc độ, cầu thủ đó phải cực kì vượt trội về một khả năng nào đó để bù lại khuyết điểm lớn này, nhưng trong khoảng 3 năm đổ lại, khi bóng đá càng ngày càng đề cao việc di chuyển, dù là giữa các cầu thủ hay quả bóng, thì việc sử dụng một khía cạnh khác đề bù đắp cho tốc độ là không tưởng. Điểm mạnh, điểm yếu của Maguire, gần như tất cả chúng ta đều đồng ý, điểm yếu lớn nhất của Maguire nằm ở chỗ anh ta thiếu tốc độ trầm trọng. Khi cần phòng thủ ở Leicester, Harry có hai chiếc Exciter biết pressing yểm trợ cho mình- Wilfred Ndidi và Hamza Choudhury. Hơn thế nữa, hệ thống của Brendan Rogers không thiếu tốc độ kể cả khi bộ đôi tuyến giữa không có Choudhury. Chắc chắn các bạn đã nghe thủ tướng nhắc rất nhiều về Ndidi và những ai coi Leicester đá sẽ nhận ra tầm quan trọng của tiền vệ trụ người Nigeria trong khâu phòng thủ Leicester: Ndidi đóng vai trò “máy quét tự do” mỗi khi Leicester lui về phòng thủ ở phần sân của mình. Leicester khi phòng thủ sẽ có sơ đồ 4-5-1 lùi sâu và Ndidi sẽ đóng vai trò “cái chốt” trong hệ thống này. Tất yếu, áp lực lên bộ đôi trung vệ Filip Benkovic và Harry Maguire là rất ít khi ở trong tình huống phòng thủ nào cũng sẽ có thêm một “máy quét gắn động cơ trộm chó” Ndidi.


Về Manchester United ở thời điểm hiện tại, không cần nhiều lời, hệ thống của Ole đang rất, rất thiếu tốc độ ở tuyến dưới. Fred không thể đá tiền vệ trụ, bản thân anh ta cũng không phải là tiền vệ trụ. Nemanja Matic hao mòn thể lực quá nhanh, lối chơi của anh ta hiện tại cũng quá tĩnh, không có sự di chuyển trợ giúp nào đáng kể cho hàng thủ. Scott Mctominay, lựa chọn khả dĩ duy nhất lại có vị trí sở trường ở giữa sân và anh ta có lối chơi “Box-to-Box” nhiều hơn là càn quét hỗ trợ phòng ngự. Hệ quả là, hệ thống chậm chạp của United sẽ dồn sức ép rất lớn lên bất kì bộ đôi trung vệ nào và Harry Maguire không phải là một trung vệ đủ tốc độ để bao bọc hết khoảng trống Pogba cùng với những người đồng đội tuyến trên để lại mỗi khi United dính phản công. Cần lưu ý thêm, như The Scouting Reports đã chỉ ra, Maguire còn không nằm trong top 30 hậu vệ ở EPL về số lần phá bóng và giải nguy. Khá thú vị ở đây là một đội bóng khác ở Ý thích đá 4-2-3-1 cũng đã từng gặp vấn đề này, đó là Inter Milan. Cả Marcelo Brozovic lẫn Roberto Gagliardini hay thậm chí là Stefano Sensi đều là những tiền vệ có xu hướng hỗ trợ tấn công, nhưng sau lưng họ, nửa xanh thành Milan có một trong những trung vệ hay nhất châu Âu thời điểm hiện tại: Milan Skriniar. Không phải ngẫu nhiên mà bài đầu tiên trong Series về vị trí trung vệ của mình lại chọn Skriniar. Anh ta, theo một sự hài hước đến tàn nhẫn, đã quá quen thuộc với tình huống phải bao bọc nhiều khoảng trống với quá ít quân số phòng thủ trong những tình huống phản công, kết quả là, anh ta có được sự quen thuộc cùng tư duy ứng biến đúng lúc giúp Inter không dính những bàn thua từ tình huống phản công. Tiếc thay, Manchester United không đá ở Serie A và chính Harry Maguire lại được trông cậy là người sẽ “nâng cấp” cho hàng thủ quá lỗi thời của họ. Công bằng mà nói, Maguire sẽ đóng góp ổn nếu không muốn nói quan trọng cho Manchester United. Nhưng đó là ở những trận đấu nhỏ và vừa. Ở EPL, càng ngày càng nhiều đội đá Pressing rất rát, rất có tổ chức và ý đồ dù họ không đá Gegenpress, chẳng hạn như Leicester, họ “Press” vào không gian chuyền bóng, “giam lỏng” cầu thủ đang giữ banh, mục tiêu là ép một đường chuyền dài hoặc một đường chuyền lỗi; hay Wolves với lối đá High Press theo từng lớp giúp họ có biệt danh “Big 6 killer”, chính United đã từng “nếm mùi” khả năng press của bầy sói. Về phần Harry Maguire, chắc chắn anh sẽ có những đóng góp cần thiết cho lối chơi của United với khả năng lên bóng, có khi làm chân chuyền dự phòng trong trường hợp Pogba không thể làm được việc của mình nhưng, mình xin phép trích lời của chính Jason khi thủ tướng có bài nhận định về Harry Maguire: “Chúng ta sẽ được chứng kiến một vị chiến thần của những trận đấu nhỏ tấu hài ở các trận đấu lớn.”


 

Vậy là series ba phần của loạt bài về lịch sử vị trí Trung Vệ đã kết thúc. Mong các bạn cảm thấy vui và bổ ích với những nỗ lực của tác giả.

Đừng quên donate cho bài viết, một bài thực sự xuất sắc

1. PayPal: https://www.paypal.me/SonTungKe

2. Ngân hàng BIDV chi nhánh HP - Trần Minh Thu – 32110000854349, nhớ ghi reference là : Donate cho Hùng.


Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau. Cám ơn đã ủng hộ page/blog suốt thời gian qua.

363 views0 comments

Recent Posts

See All

Comentários


bottom of page