top of page
  • Writer's pictureJason W. Ke

Vị trí trung vệ- lịch sử, chuyên môn và sự tiến hóa theo từng thời kì (phần 2)

Updated: Aug 16, 2019

Tác giả: Nguyễn Đình Hùng - https://www.facebook.com/erik.le.fantom

Bài viết có tham khảo các clip sau đây của Tifo football:

“Tactics Explained- Catenaccio”

“Helenio Herrera: More Famous Than His Player”

“Tactics Explained- The High Defensive Line

“Arrigo Sacchi: A Brief History of”

Và các bài báo, tư liệu sau đây từ trên Internet:

“How To Scout: Ball Playing Defenders”

“Wikipedia- Josep Guardiola, Jurgen Klopp”

“Chiến thuật bóng đá a bờ cờ”


 

Thời đại thứ hai: “Total Football” aka “Bóng Đá Tổng Lực”, Arrigo Sacchi và “Tuyến Phòng Thủ Cao” aka “The High Defensive Line”

Những năm 70-80 của thế kỷ trước, có một sự kiện quan trọng xảy ra: Sự ra đời của lối chơi bóng đá tổng lực- Total Football. Total Football quá nổi tiếng và cũng đã được phân tích quá nhiều để nhắc lại ở đây, nên mình xin phép không viết nhiều về bóng đá tổng lực trong bài viết này, nhưng những yếu tố nó tận dụng trong khâu phòng thủ- luật việt vị và tuyến phòng thủ cao thì lại liên quan mật thiết hơn chúng ta tưởng.


Bóng đá tổng lực giết chết Catenaccio, bởi vì khi đội hình của bạn thay đổi vị trí liên tục thì việc phòng thủ theo người (man marking) để đối phó với nó là vô nghĩa. Sử dụng phòng thủ theo người để đối đầu với bóng đá tổng lực có điểm yếu chết người là để lộ quá nhiều khoảng trống cho các cầu thủ bên tấn công. Hơn nữa, việc luân chuyển quả bóng liên tục biến đội phòng thủ theo tư duy Catenaccio thành những con lừa không hơn không kém. Thế nhưng, người đàn ông đã thực sự thay đổi bóng đá thế giới, là người đóng chiếc đinh cuối cùng cho quan tài của “catenaccio” lại là một… người đàn ông Ý khác: Arrigo Sacchi.


“Tôi chưa bao giờ nhận ra để làm một tay đua ngựa, bạn phải là con con ngựa cái đã.”- Những lời nổi tiếng của Arrigo Sacchi trong clip phỏng vấn từ xa xưa và có lẽ là súc tích nhất khi nhắc đến huấn luyện viên dù không mấy tiếng tăm nhưng đã thay đổi bộ mặt của bóng đá Ý và bóng đá thế giới. Không giống như Helenio Herrera lẫy lừng huyền thoại, tên ông không được gắn với triết lý chiến thuật cụ thể nào, cũng như sự nghiệp nhiều nốt thăng trầm, đặc biệt là giai đoạn hậu AC Milan. Dù vậy người đàn ông từng bán giày trước khi chuyển sang công tác huấn luyện đã thay đổi bóng đá Ý thêm một lần nữa, đánh dấu bước chuyển mình từ tư duy phòng thủ theo hướng Catenaccio sang tư duy “tổng lực kiểu Hà Lan”. Khi Sacchi mới “chân ướt chân ráo” bước chân vào Serie A, “phòng thủ kiểu Catenaccio” vẫn là triết lý được ưa chuộng nếu không muốn nói là triết lý duy nhất tồn tại trong bóng đá Ý. Nhưng, như chính Sacchi đã nói: “Để đi vào lịch sử, thắng thôi là không đủ. Bạn phải biết đem lại tính giải trí nữa.” Sacchi tìm thấy triết lý mính muốn sử dụng ở thứ “bóng đá tổng lực” của người Hà Lan. Không phải ngẫu nhiên mà bóng đá tổng lực lại có ảnh hưởng sâu rộng như thế lên thế giới bóng đá, trong cả quá khứ lẫn hiện tại. Nó quyến rũ, mê hoặc. Nó hiệu quả, nó đẹp mắt và quan trọng nhất, nó có tính giải trí rất cao. Thế nhưng, bài viết này sẽ không tập trung vào khía cạnh tấn công của bóng đá tổng lực, mà sẽ là tư duy phòng thủ chúng ta chú ý tới nhiều hơn.


"Đường chuyền sát thủ" có thể vô hiệu hóa bẫy việt vị nếu người sử dụng bẫy việt vị không khôn ngoan

Tại sao mình vẫn nhắc tới bóng đá tổng lực ở đây mà “không viết nhiều về nó” vì mình muốn tập trung vào “pressing”, phần về phòng thủ của bóng đá tổng lực. nhưng chỉ pressing thôi là không đủ, con át chủ bài trong tay những HLV Hà Lan để giành lại bóng không chỉ có pressing, mà còn là một thứ rất tầm thường trong bóng đá hiện đại nhưng lại mang tính cách mạng những năm 70-80: sự phổ biến của “bẫy việt vị” (Offside Trap). Theo luật việt vị, cầu thủ tấn công cao nhất có quyền đứng sau lưng cầu thủ phòng ngự thấp nhất, miễn sao anh ta không tham gia vào tình huống bóng nào trên sân hoặc không phải là mục tiêu của đường chuyền nào. Điều này dẫn tới việc các tiền vệ kiến tạo buộc phải căn chỉnh các đường chuyền của mình sao cho thật chính xác với cự ly tốc độ chạy của người nhận, mục tiêu là tạo ra tình huống nhận banh lợi thế nhất có thể mà vẫn không bị việt vị. Hệ quả là, các đội bóng phải làm cái gì đó để ngăn chặn không cho tiền vệ kiến tạo đối phương có được thời gian để tinh chỉnh đường chuyền của mình và Rinus Michels, ông tổ ngành pressing đã làm được điều này. Mặc dù Michels không phải là người phát minh ra “pressing” trong bóng đá, nhưng giống như Helenio Herrera và Catenaccio, ông là người phát minh ra cách sử dụng nó. Từng đó là không đủ và Michels cần một cái gì đó nữa để nắm chắc trong tay khả năng giành lại bóng sau một đường chuyền lỗi, bởi vì nếu như chỉ có pressing thôi, không sớm thì muộn, một tiền vệ kiến tạo sẽ nghiệm ra được “đường chuyền hoàn hảo” và tạo ra tình huống bất lợi cho đội bóng của ông. Câu trả lời ở đây là “bẫy việt vị”. Lối chơi Pressing của Rinus Michels, dẫu không hoàn hảo nhưng lại trở nên cực kì hiệu quả khi kết hợp với bẫy việt vị, khi Ajax của ông, đặc biệt là với Johan Neeskens- người được mệnh danh là tiền vệ B2B đầu tiên của thế giới, “bao vây” cầu thủ có bóng, không cho anh ta cơ hội tung ra đường chuyền nào. Kết quả sẽ luôn là một đường chuyền “bậy” (Risky Pass) hoặc bị cướp banh. Quay trở lại với bẫy việt vị, không có gì khó hiểu khi càng gây sức ép lên cầu thủ kiến tạo, người đang giữ banh, thì càng dễ bắt anh ta chuyền liều. Với một hàng thủ khôn ngoan, di chuyển đúng lúc để tiền đạo đối phương ở sau lưng hàng thủ của mình vừa lúc đường chuyền được thực hiện thì một tình huống phạm lỗi việt vị là thành quả tất yếu,qua đó giành lại bóng, phá vỡ đợt tấn công của đối phương. Vì vậy, đội bóng nào muốn “press” hay rộng hơn là đá được “bóng đá tổng lực” phải chơi với tuyến phòng ngự cao. Nhưng tuyến phòng ngự cao thời kì này vẫn chưa phải là yếu tố chính mà chỉ là một "hệ quả phụ" (Afterthought) . Dưới trướng Arrigo Sacchi, AC Milan đã chỉ ra cho Châu Âu, “bẫy việt vị” không phải là cái trò “niche” nào đó chỉ dành cho mấy đội “bày đặt” chơi bóng đá tổng lực, nó là một vũ khí tinh vi “liều ăn nhiều” (high risk high reward) và cực kì hiệu quả, có thể dập tắt bất cứ đợt tấn công hay phản công nào, mà vốn dĩ với một đội bóng chọn lối chơi tấn công cầm bóng, “phản công” sẽ luôn luôn là “thanh gươm Damocles” treo lơ lửng trên đầu. Giải pháp của Sacchi là một thứ đơn giản, đơn giản tới mức… ngược lại với lẽ thường (ít nhất là vào thời điểm đó): Tuyến phòng thủ cao- The High Defensive Line.


"Phòng thủ kiểu mấy con lừa"

Marinho Peres từng gọi tuyến phòng thủ cao là “kiểu phòng thủ của mấy con lừa” và rồi, anh đầu quân cho Barcelona của Rinus Michels. Anh hiểu ra rằng, tuyến phòng thủ cao và Pressing là sự kết hợp hiệu quả, hiệu quả đến mức lố bịch, đặc biệt trong thời kì sơ khai của bóng đá tổng lực. Arrigo Sacchi cũng hiểu được điều này, đặc biệt hơn, ông đơn giản hóa được nó. Theo lời Sacchi, “Ý tưởng ở đây là khoảng cách từ tuyến dưới cho tới tuyến trên không được quá 25m.” Việc “cô đặc” đội hình trong khoảng không gian ngắn như thế là một mũi tên trúng hai con nhạn: AC Milan luôn giữ được tuyến phòng ngự của mình rất cao, đồng thời việc hỗ trợ pressing vẫn đảm bảo khi khoảng cách giữa các tuyến gần như không tồn tại. Bất cứ đối thủ nào đối đầu với nửa đỏ thành Milan sẽ phải giải quyết được hai bài toán: Một, làm sao để cầu thủ của mình có thể xoay sở được trong khoảng không gian hẹp hòi thế; hai, nếu không làm được, có cách nào để sử dụng những đường chuyền vượt tuyến để thoát được các tuyến cùng một lúc? Tựu chung, có thể nói rằng Milan phòng thủ như một “biển người”, dù ở đâu trên sân, họ dễ dàng có quân số vượt trội so với đối phương, nếu không, họ có thể pressing và dụ đối phương tung ra một đường chuyền liều rồi giành lại bóng bằng tranh chấp hay bẫy việt vị, tất cả, phụ thuộc vào hai thứ: Khả năng pressing của tập thể, khả năng sử dụng bẫy việt vị của tuyến dưới.


Đừng cứ chăm chăm lao vào cầu thủ có bóng mà hãy làm sao để anh ta không thể tung ra đường chuyền thuận lợi

Arrigo Sacchi đã hoàn thiện cách press với ý tưởng "25m" của mình, biến cả đội hình thành một "bức tường người" không cho đối phương có khoảng trống xoay sở hay kéo banh. Nếu chuyền dài, bẫy việt vị sẽ được sử dụng triệt để.

AC Milan và cái cách mà họ phổ biến bẫy việt vị trở thành một vũ khí không thể thiếu của mọi hàng thủ
Trung vệ có kĩ thuật, tư duy (nhưng vẫn chưa thực sự biết chơi chân)

Franco Baresi là một trung vệ huyền thoại, đứng ngang hàng nếu không muốn nói là trên so với những Cannavaro, Paolo Maldini, Alessandro Nesta. Điều đó là không cần phải bàn cãi, nhưng điều ít người để ý ở đây, Baresi có xuất phát điểm là một libero. Như đã nói ở trên, để đá được ở vị trí Libero, bạn phải sở hữu nhãn quan chuyền và khả năng xử lý bóng của một tiền vệ. Franco Baresi có cho mình tất cả những điều đó, cùng với những kỹ năng thường thấy ở một trung vệ: Sự tập trung, khả năng đọc trận đấu, phán đoán tình huống, tắc banh, kèm người. Bản thân một huyền thoại như Baresi đã có quá nhiều bài phân tích về anh rồi, nên mình xin phép không nói nhiều về cá nhân Baresi mà chủ yếu về những cải tiến trong lối chơi của trung vệ trong thời kì này, được tiên phong bởi Sacchi và Baresi.

Có thể nói, Franco Baresi là thủy tổ cho hình mẫu trung vệ hiện đại. Trong khâu triển khai banh, Baresi luôn là người nhận banh đầu tiên từ thủ môn. Với đặc thù của bóng đá thời kì này không chú trọng việc pressing, một cầu thủ có nhãn quan chuyền bóng như Baresi có rất nhiều thời gian và khoảng trống để “chơi chân” và anh đã làm chính xác những điều đó. Dù là ở tuyển Ý hay nửa đỏ thành Milan, Baresi sẽ luôn có được đường chuyền khi hệ thống của Sacchi yêu cầu các cầu thủ phải hình thành những tam giác chuyền bóng, mục tiêu là chơi thứ bóng đá tấn công ông mong muốn. Chính Baresi từng nói “Đối với trung vệ, xử lý bóng thuần thục là điều cực kì quan trọng, nhờ đó mà bạn có thể bắt đầu những đợt tấn công. Tiến về phía trước với bóng trong chân, rồi chuyền cho tiền vệ hoặc một đường chuyền vượt tuyến cho các trung phong.” Hơn ai hết, Baresi thấu hiểu tầm quan trọng của việc triển khai lối chơi ngay từ tuyến dưới, điều này cá nhân mình cho là cực kì cấp tiến so với những đồng nghiệp cùng thời, đặc biệt là ở Anh, khi công việc chủ yếu của trung vệ vẫn đơn giản là kèm người, tranh chấp trên không, đá trái banh ra thật xa khung thành hay chuyền cho ai đó rồi để họ bắt đầu đợt tấn công.


Về mặt trận phòng ngự, không có gì phải bàn cãi nhiều về Libero cuối cùng. Baresi nằm trong số hiếm những trung vệ hoàn thiện nhất mọi thời đại khi sở hữu “tất tần tật” mọi kĩ năng cần thiết của một cầu thủ gánh vác trọng trách nơi trái tim hàng phòng ngự. Điểm nổi bật nhất ở Baresi là ở tư duy chơi bóng của anh. David Platt, người từng có vinh dự đổi áo với Franco, đã nói vầy sau khi nhận được áo của huyền thoại người Ý: “Những cái áo tôi nhận đa số nồng nặc mùi mồ hôi, duy chỉ có áo của Baresi là vẫn thoảng mùi nước hoa hiệu Aramis anh luôn dùng.” Baresi, với cái đầu luôn phân tích, theo dõi từng tình huống trên sân, cho phép anh đạt hiệu quả tối đa lúc sử dụng con bài phòng thủ then chốt của Arrigo Sacchi: Bẫy việt vị. Dưới sự chỉ đạo của Sacchi, hàng thủ AC Milan trở thành tuyến dưới sử dụng bẫy việt vị hiệu quả nhất Châu Âu và Baresi là tai mắt của Sacchi trên sân, là người hiện thực hóa chỉ đạo từ băng ghế huấn luyện.

 

Phần ba sẽ lên sóng lúc 8h tối ngày mai.

Đừng quên donate cho bài viết, một bài thực sự xuất sắc

1. PayPal: https://www.paypal.me/SonTungKe

2. Ngân hàng BIDV chi nhánh HP - Trần Minh Thu – 32110000854349, nhớ ghi reference là : Donate cho Hùng.

411 views0 comments

Recent Posts

See All

コメント


bottom of page