top of page
Writer's pictureJason W. Ke

Vị trí trung vệ- lịch sử, chuyên môn và sự tiến hóa theo từng thời kì

Updated: Aug 16, 2019

Tác giả: Nguyễn Đình Hùng - https://www.facebook.com/erik.le.fantom


Bài viết có tham khảo các clip sau đây của Tifo football:

“Tactics Explained- Catenaccio”

“Helenio Herrera: More Famous Than His Player”

“Tactics Explained- The High Defensive Line

“Arrigo Sacchi: A Brief History of”

Và các bài báo, tư liệu sau đây từ trên Internet:

“How To Scout: Ball Playing Defenders”

“Wikipedia- Josep Guardiola, Jurgen Klopp”

“Chiến thuật bóng đá a bờ cờ”


 
Trung vệ- Anh là ai?

Về định nghĩa, trung vệ là cầu thủ mang trọng trách bảo vệ khu vực trước mặt khung thành, thường là “final third” của đội nhà , nhiệm vụ chính của anh là ngăn cản không cho cầu thủ đối phương (cụ thể là tiền đạo) ghi bàn. Trung vệ thường có nhiệm vụ chắn cú sút (shot blocking), cướp bóng (tackling), cắt đường chuyền (intercept), tranh chấp trên không (contesting headers) và theo kèm trung phong đội bạn, mục tiêu là không cho tiền đạo nhận banh và ghi bàn hay đóng góp vào khâu ghi bàn.


Khi có bóng trong chân, các trung vệ có vài lựa chọn: Một là đá nó văng ra thật xa khỏi khung thành, hay giải nguy (clearance); hai là anh sẽ chuyền nó cho cầu thủ khác, luân chuyển quả bóng; ba là, anh thực hiện một đường chuyền dài, qua đó bắt đầu một pha phản công nhanh (quick transition). Ngày nay, giải nguy trở thành lựa chọn cuối cùng của một trung vệ, chỉ khi nào bất đắc dĩ lắm anh mới phải “đá đại” trái banh cho nó văng càng xa càng tốt. Đa số trung vệ hiện đại, sau khi thu hồi bóng hay nhận được bóng, sẽ thực hiện những đường chuyền, có thể ngắn, có thể dài, bổng hoặc gầm, nhưng mục tiêu luôn luôn là luân chuyển banh, không thì phát động phản công càng tốt.


Có một sự thật hiển nhiên ở đây, nhiệm vụ chính của trung vệ không phải là ghi bàn. Nhưng tại sao từ thời xửa thời xưa các trung vệ lại lao lên khi đội bóng có được những tình huống cố định? Bởi vì anh ta không chiến rất tốt và điều đó biến trung vệ thành thứ vũ khí nguy hiểm trong pha cố định. Trong những tình huống đó, các cầu thủ khác không tham gia tình huống cố định sẽ tạm thời đóng vai trung vệ và nhiệm vụ chính của họ lúc này là bao bọc khoảng trống sau lưng cả đội.


Khi kèm người, có hai trường phái chiến thuật chính được các trung vệ sử dụng: Zonal Marking (phòng thủ theo khu vực) Man Marking (phòng thủ theo người). Theo dòng lịch sử, trường phái “theo người” được phần lớn các đội sử dụng và dĩ nhiên, chúng có hiệu quả, nhưng rồi có thằng cha hói nào đó đến từ Tây Ban Nha nghĩ ra cái trò tiki-taka nhảm lìn thứ triết lý đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt nền bóng đá: Lối chơi hoán đổi vị trí liên tục. Mục tiêu của lối chơi này là để tạo khoảng trống và như sự phản hồi tất yếu, các đội bóng buộc lòng phải quay lại sử dụng phương pháp phòng thủ khu vực. Dần dà, cuộc “chạy đua vũ trang” ngày càng phức tạp hơn và các đội bóng hiện đại chủ yếu áp dụng một tư duy phòng thủ kết hợp cả Zonal Marking lẫn Man Marking.


Mình xin phép không đi sâu vào mặt chuyên môn của hai trường phái phòng thủ này bởi vì đã có hằng hà sa số bài viết về chủ đề này rồi.

Thời đại đầu tiên: Người Ý, Catenaccio và Helenio Herrera

Nhắc tới lối chơi phòng thủ mà không nhắc tới bóng đá Ý sẽ là một thiếu sót không thể chấp nhận được. Mảnh đất hình chiếc ủng là nơi sản sinh ra rất nhiều những huyền thoại tuyến dưới: Paolo Maldini, Alessandro Nesta, Fabio Cannavaro, Franco Baresi, Armando Picchi. Có thể nói, trong lịch sử bóng đá thế giới chưa có nền bóng đá nào đề cao triết lý phòng thủ như ở Italia và chúng ta có thể “đổ lỗi” cho hai thứ: Catenaccio và Helenio Herrera.


Catenaccio trong tiếng Ý có thể hiểu là “cái then/ chốt cửa”, có thể dịch khác từ theo từng ngôn ngữ nhưng hàm ý là tương tự. Nếu ai coi kênh “Cảm bóng đá” thì sẽ biết, Catenaccio thực ra không phải do người Ý phát minh, mà là do người Thụy Sĩ, hay cụ thể hơn ở đây là do HLV Karl Rappan của CLB Servette. Đọc đến đây, chắc các bạn cũng manh nha được phần nào lý do chiến thuật này ra đời.


Servette vốn dĩ là một đội bóng nhỏ, họ không thể tấn công “ăn miếng trả miếng” với các ông lớn mà vẫn đá được và tất yếu, họ phải nghĩ ra cách khác để có được chiến thắng. Nguyên tắc của Catenaccio, thời đó vẫn được gọi là Verrou rất đơn giản: Thế trận thiên về phòng thủ, chịu đựng sức ép và sử dụng phản công làm vũ khí chính. Thời bấy giờ, các CLB Châu Âu vẫn sử dụng chủ yếu sơ đồ chiến thuật 2-3-5 hay WM khi 2 tiền đạo đá cạnh trung phong sẽ lùi xuống một chút. Rappan quyết định kéo 2 Wing-back xuống thành Fullback, đồng thời kéo 2 tiền đạo xuống tuyến giữa. Nghe có vẻ ngờ ngợ đúng không? Đó là chiến thuật 4-3-3 đấy. Với việc có 2 hậu vệ chuyên đảm đương hai cánh, 2 hậu vệ còn lại chỉ phải gánh vác khu vực trung tâm, họ trở thành trung vệ- Center back. Khi bóng được triển khai xuống một trong hai cánh, 1 người trong cặp trung vệ sẽ lao lên hỗ trợ phòng thủ và theo lý thuyết sẽ luôn có 1 trung vệ “rảnh tay” để đối phó với bất kì tình huống nào. Sự thành công của Rappan đã đưa chiến thuật này lên bản đồ bóng đá thế giới, nhưng trong Body of Lies, nhân vật Ed Hoffman đã nói: “Người A Rập có thể là những người đã phát minh ra đại số nhưng người Mỹ mới là những người phát minh ra cách sử dụng đại số.” Hoàn toàn có thể khẳng định, người Thụy Sĩ đã phát minh ra Verrou nhưng những người Ý mới là người phát minh ra cách sử dụng Catenaccio.


Phiên bản nguyên mẫu của "Catenaccio" hay thời kì này còn được biết đến với cái tên "Verrou"

Dân Ý vẫn luôn rỉ tai nhau truyền thuyết rằng HLV Giuseppe “Gipo” Viani của Salernitana, trong một lần đi dạo buổi sáng đã nghĩ ra chiến thuật Catenaccio, lấy cảm hứng từ một con tàu đánh cá sử dụng lưới dự trữ để bắt trọn mẻ cá sau pha cất lưới trượt. Nhưng sự thật vốn dĩ không lãng mạn như người ta muốn và bóng đá Ý hậu thế chiến chịu rất nhiều ảnh hưởng từ Thụy Sĩ. “Gipo” là người đầu tiên áp dụng nguyên lý “hậu vệ thừa” (Spare man) ở hàng thủ, góp phần giúp Salernitana lên hạng năm 1947. Sau này, người hàng xóm của Inter là AC Milan cũng đã áp dụng thành công Catenaccio để có được chức vô địch Châu Âu- European Cup, tiền thân UCL, năm 1963. Thế nhưng, nửa xanh của thành Milan mới là đội bóng đã chỉ cho thế giới thế nào là “Catenaccio” và in từ đó vào sử sách bóng đá thế giới.


Catenaccio với hàng phòng ngự 4 người và cách hoạt động trên thực tế

Để miêu tả Helenio Herrera trong một cụm từ thì có lẽ là “Mourinho trước thời Mourinho.” Sự nghiệp huấn luyện của Herrera huyền thoại trải dài và có rất nhiều thành công, kèm theo đó là rất nhiều sự tiên phong trong công tác huấn luyện. Ông là người đầu tiên đề ra một chế độ kỷ luật cao dành cho các cầu thủ của mình, từ tập luyện cho tới dinh dưỡng, ông đặc biệt nghiêm khắc đối với những việc như sử dụng thuốc lá, chất kích thích hay bia rượu. Cá biệt hơn cả, ông còn phát minh ra phương pháp “ritiro” mà rất nhiều câu lạc bộ ngày nay sử dụng: Di chuyển các cầu thủ của mình đến một khu phức hợp riêng biệt để tập luyện một thời gian, hoàn toàn cách ly khỏi thế giới bên ngoài. Nói ngắn gọn, những buổi tập của Helenio khắc nghiệt tới mức trung phong Gerry Hitchens đã nói “Rời khỏi Inter chả khác gì xuất ngũ.” Giai thoại nổi tiếng nhất về Helenio Herrera là khi ông được cho là đã treo giò một cầu thủ đội mình chỉ vì anh đã nói với truyền thông “Chúng tôi tới Rome để đá bóng” thay vì “Chúng tôi tới Rome để chiến thắng.”


Về mặt chiến thuật, Helenio Herrera đã có những thay đổi quan trọng giúp Inter dễ dàng thích nghi với hệ thống phòng thủ Verrou aka “Catenaccio 1.0”. Thay vì sử dụng hai tiền đạo cánh vừa thủ vừa công, ông sử dụng một hậu vệ biên thiên phòng thủ và một hậu vệ biên thiên tấn công với Jer, hậu vệ biên phải, được giao nhiệm vụ hỗ trợ phòng ngự còn hậu vệ trái- huyền thoại Giacinto Facchetti, được khuyến khích lao lên phía trước. Nói theo kiểu thời nay, thì Jer là “Fullback” còn Facchetti là “Complete Wing-back”. Phòng thủ trong bóng đá trước khi “Total Football” ra đời vẫn chỉ thiên về “phòng thủ theo người” (Man-marking oriented defense) và Catenaccio trước khi Helenio Herrera thay đổi nó cũng thế, hơn nữa, “Catenaccio 1.0” sử dụng hàng thủ 4 người, trong khi hàng thủ của Herrera có thêm một trung vệ nữa”, và nhiệm vụ của người thứ 5 là làm một máy quét (Sweeper), với nhiệm vụ thu hồi bóng từ những đường chọc khe và ứng phó với những tình huống trên sân. Thế nhưng, mấu chốt lý giải cho sự chết người của Catenaccio phiên bản Helenio Herrera không nằm ở đó.


Cách Helenio Herrera thay đổi hệ thống Verrou, đem lại cho nó cái tên "Catenaccio"
Libero

Khi nhắc tới Libero, người ta thường hay nghĩ ngay tới hai cái tên: Franz Beckenbauer và Franco Baresi mà quên mất Libero đầu tiên của bóng đá: Armando Picchi.

Armando Picchi hoàn toàn không phải là một trung vệ hay một cầu thủ phòng ngự và xuất phát điểm của anh cũng không phải là một trong hai thứ trên. Với chiều cao “nhỏ thó” 1m71 cùng với vị trí ban đầu là… trung phong hoặc tiền vệ phòng ngự, Picchi có được những thành công đầu tiên của mình ở vị trí… hậu vệ cánh của với CLB SPAL ở Serie A trước khi đầu quân cho Inter của Helenio Herrera. Picchi chỉ thực sự tỏa sáng khi Herrera thử nghiệm anh ở vị trí “Sweeper” sau lưng hàng thủ Inter. Trong thời đại của “phòng thủ theo người”, nhiệm vụ của máy quét- Sweeper thoạt đầu nghe rất đơn giản: Ngăn chặn những đường chọc khe, làm người đối đầu phụ khi các tiền đạo tìm cách chạy ra sau lưng hậu vệ hay đơn giản là thu hồi banh sau một đường chuyền hớ hênh của đối phương. Nhưng thực tế đã chứng minh, ai được giao trách nhiệm của một “Sweeper” phải là một cầu thủ chơi bóng bằng cái đầu: Anh ta phải có tư duy phòng thủ chắc chắn, khả năng đọc trận đấu, dự đoán tình huống và một cái đầu lạnh để tỉnh táo trong những giờ phút cân não. Armando Picchi sở hữu cho mình tất cả những điều trên, cá biệt hơn nữa, vì có xuất phát điểm là một tiền vệ, Picchi còn có khả năng “chơi chân” của một cầu thủ kiến tạo và chính sự kết hợp giữa tư duy phòng ngự xuất sắc của một trung vệ cùng với khả năng kiến tạo như một tiền vệ đã cho ra đời vai trò biểu tượng của bóng đá: Libero hay Người Tự Do. Như trang web SempreInter.com đã viết: “Vài chục năm trước khi Lothar Mattheus trở thành Libero xuất sắc nhất thế giới, Armando Picchi là người định nghĩa cho vị trí Libero.”


Vậy điều gì khiến cho Người Tự Do trở thành nhân tố quyết định trong hệ thống mà các nhà chuyên môn xướng tên Grande Inter? Sau khi đã về hưu, Helenio luôn nói rằng hậu thế đã hiểu sai triết lý chiến thuật của ông. Ông trả lời phóng viên “Họ chỉ chăm chăm phòng thủ, chăm chăm ngăn chặn đối phương ghi bàn mà quên mất những gì tôi đã làm khi tấn công”. Mặc dù hệ thống của Herrera thường được nhớ đến như một thứ triết lý “phản bóng đá”, thông số của Inter ở hai mùa bóng 1964-65 và 1965-1966 chỉ ra điều ngược lại. Inter không chỉ vô địch mà còn là đội bóng ghi nhiều bàn nhất Serie A. Herrera đã nói, ông không muốn đội bóng tốn hơn 3 đường chuyền để tới được Final Third đối phương, và yếu tố đem lại cho Inter của Herrera khả năng để thực hiện những đợt phản công chí mạng đó chính là nhãn quan chuyền bóng của Armando Picchi. Sau khi có bóng, một Libero có hai lựa chọn: Anh ta có thể kéo bóng ra khỏi tuyến phòng thủ rồi mới bắt đầu triển khai một đợt phản công, hoặc anh ta có thể thực hiện một đường chuyền dài vượt tuyến, đưa bóng vượt qua nhiều lớp phòng thủ cùng một lúc trước khi đội bạn kịp trở tay. Để trở thành một Libero, bạn phải có kinh nghiệm đọc trận đấu từ tình huống tấn công cho tới phòng thủ, nhãn quan tinh tường để nhận ra hướng lên banh thuận lợi chỉ với vài đường chuyền, và sau cùng, một cái đầu tỉnh táo để lãnh đạo hàng phòng thủ. Không phải ngẫu nhiên mà trong thời kì hưng thịnh, các Libero luôn là người đeo băng đội trưởng. Khi là Libero, bạn không chỉ lãnh đạo hàng thủ, mà là lãnh đạo cả một đội bóng. Như Herrera đã nói- “Nghĩ nhanh, làm nhanh, đá bóng nhanh.” (Think quickly, act quickly, play quickly). Với hàng phòng thủ bốn người phía trên, cái khung chốt, và “cái then” là Libero, triết lý của Helenio Herrera cuối cùng cũng có một cái tên đơn giản, nhưng súc tích, đúng như những gì ông muốn ở lối chơi của mình: Catenaccio- cái chốt cửa, và cái chốt cửa này đã khóa chặt con đường tới khung thành của đội hình được lịch sử gọi tên Grande Inter. Không phải Verrou, mà là Catenaccio mới là từ người ta dung khi nhắc tới triết lý này, mặc dù cả 2 từ đều có ý nghĩa là cái chốt cửa.


Như thế, Helenio Herrera đã thay đổi bộ mặt của nền bóng đá, hay cụ thể hơn là cách các đội bóng phòng thủ. Trong suốt nhiều thập niên, các Libero luôn đóng vai trò “cầu thủ then chốt’ (key player) của những nhà vô địch. Franz “Der Kaiser” Beckenbauer, Gaetano Scirea, Ronald Koeman, Fernando Hierro, Bobby Moore, hay Lothar Matthaus và Franco Baresi, Libero cuối cùng của bóng đá thế giới. Các đội bóng, đặc biệt là ở Ý, bắt đầu học tập theo tư tưởng phòng thủ của Herrera. Điều này diễn ra trong suốt nhiều năm, mặc dù triều đại của Grande Inter khép lại sau trận thua trước thế hệ “những con sư tử xứ Lisbon” của Celtic ở chung kết cúp Châu Âu năm 1967. Mặc dù trận chung kết đó đã chứng minh rằng, tấn công tổng lực vẫn có thể thắng được phòng thủ tổng lực, nhưng mãi tới thập niên 80 mới có thêm một cuộc cách mạng tư duy phòng thủ, kèm theo đó là sự suy tàn của triết lý Catenaccio, cùng với “cái chết” của Người Tự Do.


Đội hình xuất phát của Grande Inter

 

Phần hai sẽ lên sóng lúc 8h tối ngày mai.

Đừng quên donate cho bài viết, một bài thực sự xuất sắc


1. PayPal: https://www.paypal.me/SonTungKe

2. Ngân hàng BIDV chi nhánh HP - Trần Minh Thu – 32110000854349, nhớ ghi reference là : Donate cho Hùng.

852 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page