Bài dịch của Nguyễn Đình Hùng - https://www.facebook.com/erik.le.fantom
Bài gốc: Southampton 2019/2020 Season Preview
Tác giả: Nick Dorrington
Sau khi thoát khỏi khu vực xuống hạng trong “chân tơ kẽ tóc” mùa giải 17/18, nửa đầu mùa giải 18/19 cho thấy có vẻ Southampton (Soton) sẽ lại dành thêm một mùa nữa ngập đầu trong cuộc chiến trụ hạng. Tháng 12 năm 2018, Southampton nằm trong nhóm xuống hạng khi 15 trận đấu đầu tiên, họ chỉ mới giành được một chiến thắng và thua tới 8 trận.
“Nước đã tới chân”, BLĐ Soton quyết định nhấn nút “khởi động lại” với hy vọng vớt vát được chút gì đó. Họ nhận ra quyết định gia hạn hợp đồng với Mark Hughes không hề sáng suốt khi ông chỉ giành được 8 điểm trước kì chuyển nhượng mùa đông, còn những hạn chế trong đường lối chỉ đạo của chiến lược gia xứ Wales càng ngày bộc lộ và bị đối thủ triệt để khai thác. Cuối cùng, giới chóp bu của CLB chọn Ralph Hasenhuttl là người thay thế cho Hughes và mùa giải của Soton kết thúc ở hạng thứ 16, cách nhóm xuống hạng 5 điểm.
Tư duy chiến thuật của Hasenhuttl nhanh chóng tạo được ảnh hưởng tích cực lên lối chơi của Soton. “Đặc sản” pressing cao của Ralph, thứ đã giúp ông thành danh ở Leipzig hay xa hơn là Ingolstadt đã thay đổi bộ mặt của thứ bóng đá Southampton chơi- họ đá năng nổ hơn, chủ động tranh chấp khắp sân, từ một đội bóng thụ động, để cho đối phương có tới 12.25 đường chuyền trong mỗi tình huống phòng thủ (12.25 Passes Per Defensive Action- PPDA) xuống chỉ còn 9.82. Đồng thời, họ đẩy cao đội hình, chủ động “tham chiến” ngay bên phần sân đối phương và cải thiện tần suất hoạt động rõ rệt so với thời Mark Hughes.
Những thay đổi đến từ HLV kì cựu người Áo ngay lập tức cải thiện các thông số phòng thủ của đội bóng chủ sân Mary. Họ để thủng lưới trung bình 1.57 bàn/ trận so với 1.93/trận dưới thời Mark Hughes, trong khi “kì vọng thủng lưới” (xG conceded per match) giảm từ 1.48 còn 1.30. Cần lưu ý, những cải thiện này một phần không nhỏ đến từ việc Southampton trở nên hiệu quả hơn trong khâu phòng thủ những tình huống cố định. Tất nhiên, bảo vệ cầu môn hiệu quả hơn và chủ động hơn không có nghĩa họ sẽ bớt cứng nhắc và vô hại ở khâu tấn công.
Về tổng thể, Southampton từ đội bóng tệ thứ 6 trước đó khi họ được kì vọng ghi ít hơn đối thủ 0.39 bàn/ trận (xG difference of -0.39) xuống còn 0.25 bàn/ trận ít hơn đối thủ, giúp họ tiến thêm… 1 bậc, trở thành đội bóng với khoảng cách bàn thắng kì vọng tệ thứ 7.Khỏi phải nói, kết quả trên giúp họ dễ dàng trụ hạng nhưng đoàn quân của Ralph Hasenhuttl vẫn còn rất nhiều thứ cần làm nếu họ muốn lặp lại kì tích đứng trong top 8 bốn mùa liên tiếp vào khoảng thời gian 2013-2017.
Chúng ta có thể hiểu được một phần nào đó những kết quả trên đến từ việc Hasenhuttl không có giai đoạn tiền mùa giải (pre-season) để truyền tải hết những ý đồ bày binh bố trận của ông. Như một bài viết khác của Statsbomb đã nêu ra, nửa mùa đầu tiên của Ralph gần như tương tự với Klopp ở Liverpool: Họ press rất nhiệt nhưng còn rất hỗn loạn, thiếu sự bài bàn có thể rèn giũa được trong giai đoạn tiền mùa giải.
Một cải thiện khác đáng được lưu tâm là sau khi Ralph Hasenhuttl ngồi lên ghế nóng, cách Soton triển khai tấn công cũng đã trở nên hiệu quả hơn. Đỉnh điểm, mười trận liên tiếp họ được kì vọng sẽ ghi trung bình 1.34 bàn/ trận, cao hơn mức trung bình của đội bóng rất nhiều.
Về mặt cá nhân, Nathan Redmond là cầu thủ được hưởng lợi nhiều nhất từ những thay đổi này. Anh ghi được 6 bàn thắng, bỏ túi 4 pha kiến tạo, tất cả đều ở giai đoạn nửa sau mùa giải, bên cạnh đó, thông số lối chơi cá nhân của Redmond cũng có những thay đổi tích cực. Nếu có thể giữ nguyên cho cả mùa giải, đóng góp 0.39 xG /trận (xG + expected assists-xA) sẽ giúp Redmond góp mặt trong top 50 cầu thủ tấn công hiệu quả nhất EPL, thậm chí, nếu anh có thể vươn tới mức 0.49, anh sẽ trở thành một trong 25 cầu thủ tấn công tốt nhất EPL.
Trong danh sách việc cần làm của Southampton mùa giải tới cần có dòng “bổ sung nhân sự” nếu như họ muốn nâng tầm lối chơi. Lần cuối cùng một cầu thủ của “the Saints” ghi được hơn 10 bàn đã là 3 năm trược khi hàng công của họ vẫn còn Sadio Name, Graziano Pelle và Shane Long- cả 3 cầu thủ đều vượt qua cột mốc trên. Mùa bóng 18/19, hai tay săn bàn hiệu quả nhất của chủ sân Mary là Ward-Prowse và Danny Ings nhưng mỗi người chỉ ghi được 7 bàn và hiển nhiên, vị trí trung phong luôn đứng đầu danh sách mua sắm của họ.
Trong mùa hè, Soton đã bỏ ra 20 triệu bảng để kích hoạt điều khoản mua đứt Danny Ings sau khi mượn anh từ Liverpool. Ings đóng góp ổn cho cả mặt trận tấn công lẫn phòng thủ, dù đã có những nghi ngại về tiền sử chấn thương của tiền đạo người Anh nhưng về mặt tài chính, Southampton không quá lo lắng khi họ đã bán được cả Matt Target và Sam Gallagher, cả hai đều là những sản phẩm “nhà làm.” Sau Ings, Soton còn đón thêm 2 tân binh: Che Adams và Moussa Djenepo. Adams có lẽ là người nổi bật hơn khi thành tích 22 bàn cả mùa giải vừa rồi ở Birmingham đã thuyết phục Southampton “xì” ra 15 triệu bảng cho cầu thủ người Anh.
Không ngoa khi nói rằng mùa giải vừa rồi của Che Adams là mùa giải ấn tượng nhất của trung phong 23 tuổi và mức giá 15m bảng cho một cầu thủ “hàng nội” ở Anh là không hề chát một chút nào. Dù để lại ấn tượng với khả năng “đánh hơi bàn thắng” sắc bén trong những tình huống phản công và màn trình diễn giai đoạn tiền mùa giải của Che không hề tệ nhưng có lẽ còn là quá sớm để anh đem lại khác biệt cho hàng công của Southampton.
Về Moussa Djenepo, Soton đã gật đầu với cái giá 14 triệu bảng dành cho tiền đạo cánh đã ghi cho Standard Liege 8 bàn và 2 kiến tạo. Djenepo không quá nổi bật về khả năng đóng góp tấn công nhưng khả năng “rê dắt” của anh hoàn toàn trên một bậc so với giải VĐQG Bỉ. Moussa Djenepo trung bình rê bóng thành công 3.19 lần/ trận, bị phạm lỗi 3.11 lần/ trận. Southampton rõ ràng là một đội bóng ghi được rất ít bàn thắng nhờ khả năng lạng lách đánh võng tạo đột biến khi chỉ có bốn đội có được ít bàn thắng/ kì vọng bàn thắng hơn Soton, một cầu thủ biết “gây biến” như Djenepo là sự bổ sung hoàn toàn hợp lý.
Vì còn phải tham dự CAN Cup nên tiền đạo 21 tuổi người Mali luyện tập muộn hơn một chút và có lẽ anh sẽ cần thêm thời gian để hòa nhập nhưng nếu như thích nghi được, Djenepo hoàn toàn đủ khả năng đem lại luồng gió mới cho hàng công của Soton. “Cậu ấy là một cầu thủ tràn đầy năng lượng, với tốc độ xé gió và kĩ năng dứt điểm tốt. Tôi nghĩ cậu ấy sẽ phù hợp với đội hình và lối chơi của chúng tôi”-Ralph Hasenhuttl nhận xét về Moussa Djenepo.
Sau cùng, Soton vẫn còn thiếu một nguồn sáng tạo ở tuyến giữa và một tiền vệ hỗ trợ mạnh về thể lực sẽ không hề thừa thãi nhưng ở thời điểm hiện tại, đội hình của chiến lược gia người Áo đang dư thừa ở một số vị trí nên việc “tỉa tót” đội hình sẽ được ưu tiên nhiều hơn nhằm tránh việc quỹ lương ảnh hưởng xấu đến khả năng tài chính của đội bóng. Hơn nữa, Hasenhuttl không hề “bỏ quên” lò đào tạo trẻ của Southampton khi ông muốn những cầu thủ trẻ như hậu vệ trái Jake Vokins được ra sân nhiều hơn.
Việc Hasenhuttl sẵn sàng tạo đất diễn cho “gà nhà” là một phần trong quyết định mời ông vào ghế nóng của một CLB có truyền thống sử dụng “vốn tự có”, thứ đã giúp họ đi từ giải hạng nhì lên EPL. Trước kia, bổ nhiệm Mark Hughes đã “ra dấu” cho ý định chuyển mình của Soton, kéo theo là sự ra đi của Giám đốc Thể thao Les Reed, chủ tịch Ralph Krueger cùng với Giám đốc Kĩ Thuật Martin Hunter. Hiện tại, đội bóng chủ sân Mary vẫn đang trong quá trình chuyển giao thế hệ ở hàng ghế lãnh đạo.
Khác với mớ bòng bong mà Quỷ đỏ mãi vẫn không thể thoát được, quá trình chuyển giao của Soton hoàn toàn khẳng định được là chậm mà chắc. Dù gặp phải những vấn đề tương tự như đồng nghiệp người Na Uy nhưng cái đầu già dặn và nhiều kinh nghiệm của Hasenhuttl vẫn kịp đem lại nhiều chuyển biến tốt, giữ cho con tàu Southampton không bị chệch hướng. “Hậu phương” đã vững chắc, Ralph Hasenhuttl chỉ cần tập trung xây dựng “tiền tuyến” và Soton sẽ nắm chắc trong tay một vị trí an toàn ở giữa BXH và đó sẽ là bước đầu quan trọng trong công cuộc tái xây dựng đội bóng vùng Đông Nam nước Anh.
Comments