top of page
Writer's pictureJason W. Ke

Dias is (probably) the new Vidic

Tác giả: Nguyễn Đình Hùng - https://www.facebook.com/erik.le.fantom


 

Trận chung kết UEFA Nations’ League, Hà Lan gặp Bồ Đào Nha. Hà Lan đang có bóng sau tình huống tấn công không thành của Bồ. Đường chuyền dài của Frenkie De Jong, bóng tới chân Memphis Depay. Anh không có ai trợ giúp và nhận bóng quay lưng về phía khung thành. Bồ Đào Nha chỉ còn Jose Fonte cùng với Ruben Dias đối đầu với Depay, phía sau còn có Ryan Babel, Steven Bergwijn đang lao lên hỗ trợ. Depay quyết định đột phá. Jose Fonte, ông già 35 tuổi với quá nhiều kinh nghiệm đỉnh cao biết rằng mình đang ở trong tình huống khó. Anh quyết định bao bọc nhiều khoảng trống nhất có thể. Ruben Dias, trung vệ 22 tuổi đá cặp với Fonte, lao thẳng vào Depay, không chút do dự. Depay quay người lại, quyết định đột phá khi Babel và Bergwijn không kịp đuổi theo. Nhưng trước khi anh kịp chạm vào quả bóng, có một đôi chân tất đỏ đã đốn anh ngã sóng soài. Depay nhìn về phía trọng tài nhưng anh chỉ nhận được cái lắc đầu. Ruben Dias nhanh chóng đứng dậy, bóng trong chân, thực hiện một đường chuyền nhanh cho Raphael Guerrero, người mới vừa về tới Final Third đội nhà và Bồ Đào Nha nhanh chóng có cho mình pha phản công.

Có lẽ, nếu dùng cụm từ nào nào để miêu tả ngắn gọn và chân thực nhất về Ruben Dias thì “Ball Playing Defender- Stopper” sẽ là hiệu quả nhất. Chàng trung vệ với gương mặt “bặm trợn” đang đầu quân cho Benfica sở hữu lối chơi theo cá nhân mình khá độc đáo trong bóng đá hiện đại, có thể nói là phần “lạc hậu” nếu xét theo tiêu chuẩn hiện đại, nhưng điều này lại khiến cho anh trở thành món hàng khá độc đáo trên thị trường chuyển nhượng ở thời điểm hiện tại.

Một chút tiểu sử

Ruben Santos Gato Alves Dias sinh ngày 14 tháng 5 năm 1997 ở Amadora, một khu đô thị vệ tinh của Lisbon. Anh bắt đầu sự nghiệp chặt thuê chém mướn chơi bóng ở CLB Estrela Amadora trước khi trúng tuyển vào học viện trẻ của Benfica năm 2008. Sau khi gặt hái được một số thành công với đội trẻ của Benfica (Benfica B), trong đó có đóng góp giúp cho Benfica B có được vị trí tốt nhất đội trẻ Benfica từng ở giải hạng dưới (các đội trẻ không được phép đá chung hạng với đội “người lớn”, nên có vô địch cũng không được thăng hạng), HLV Rui Vitoria, người lúc bấy giờ đang dẫn dắt Benfica, quyết định trao cơ hội cho anh ở UCL ở vòng 16 đội dù có phần bất đắc dĩ nhưng đổi lại, ông đã không phải hối tiếc. Ruben Dias nhanh chóng có chỗ đứng trong đội hình chính của Benfica (khá tếu là Dias được chọn để lấp khoảng trống Victor “the iceman” Lindelof để lại sau khi chuyển đến United). Ngoại trừ một khoảng thời gian 2 tháng vắng mặt do… mổ ruột thừa, Dias nhanh chóng lọt vào mắt xanh của rất nhiều nhà tuyển trạch cho các CLB lớn của Châu Âu, nhưng kỳ lạ thay, vẫn chưa có lời đề nghị chính thức nào được đưa ra, kể cả ở thời điểm viết bài này, tức là sau 2 mùa giải thành công, cùng với danh hiệu cá nhân “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Primeira Liga” mùa giải 2017-2018.

Nhắc lại về trung vệ hiện đại

Để hiểu được tại sao Ruben Dias lại được xem là một con hàng khá hiếm, có thể nói là khá kén người mua ở thời điểm hiện tại, chúng ta cần phải xem xét lại định nghĩa về trung vệ trong bóng đá đương thời. Anh ta cần phải có thân hình cao to, sở hữu sức mạnh, thành thạo những kĩ năng phòng thủ (one-on-one, chọn vị trí) đồng thời biết xử lý, luân chuyển trái banh trong giai đoạn Build-up hay tung ra những đường chuyền xuyên tuyến (penetrative pass) hỗ trợ tấn công hoặc mở đầu đợt phản công nhanh.


Lạc đề một chút: song hành cùng với những tiến hóa của bóng đá hiện đại là cuộc đối đầu của “khoảng trống” và “bóng” hay cụ thể hơn, đội bóng của bạn sẽ giữ cái gì nhiều hơn, “bóng” hay “khoảng trống”. Trước đây, khi bóng đá vẫn còn chậm hơn và lối chơi chủ đạo các cầu thủ phòng ngự là “theo người” (man-oriented marking), hậu quả tất yếu là việc những “regista” hay “trequartista” hay thậm chí là “enganche” có rất nhiều đất diễn vì bóng đá thế giới gần như không có khái niệm “phòng thủ khoảng trống” (space denying). Nhưng Pep và lối chơi “Juego de Posiciones” (The juggle of positions hay “sự thay đổi vị trí liên tục”) của ông biến tư duy phòng thủ “theo người” thành một trò hề đúng nghĩa. Và như Vision trong Civil War đã nói: “Our very strength incites challenge”, “kẻ thách đấu” trong trường hợp này chính là… Jurgen Klopp cùng với lối chơi Gegenpress do chính ông hoàn thiện. Vài mùa giải đầu tiên của “người đàn ông thật thà” ở EPL, ông vẫn chưa hoàn thiện triết lý của mình và ai để mắt tới sẽ lập tức nhận ra: Liv của Klopp Liverpool thời điểm đó đúng nghĩa là những cỗ máy pressing điên loạn như đàn cá mập đang khát máu. Press một cách cuồng loạn, press đến mức bỏ cả hàng thủ. Jose Mourinho đã tận dụng được điều này để khắc chế Liverpool một cách không thể đơn giản hơn: Phòng thủ tĩnh, để cho các cầu thủ Liv phải tự bào mòn thể lực, sau đó phản công thật nhanh và thật chí mạng. Nhưng càng về sau, tư duy Klopp càng hoàn thiện, ông đã mở được bát môn độn giới hoàn thành triết lý của mình và nó, theo cá nhân mình, có thể tóm gọn bằng một cụm từ: Không cho đối thủ có khoảng trống (Space denying). Không biết với các bạn đọc thì như thế nào, nhưng lý do tại sao lối chơi Gegenpress lại trở thành “thuốc đặc trị bệnh Pep” theo mình là ở chỗ này: Ông không cho đối phương khoảng trống để làm bất cứ việc gì khi họ có bóng, hay nói cách khách, He denies them any space to play the ball in any way possible.


Việc này liên quan đến các trung vệ như thế nào? Nói một cách không ngoa, nó thay đổi gần như tất cả mọi thứ. Nếu nói về nguồn gốc sâu xa sự ra đời của “Ball Playing Defender” thì nói nhanh luôn, trung vệ ngày nay thực ra chả khác đám Libero lắm đâu (phân cuồng tự nhận của Helenio Herrera, thông cảm). Khác biệt chính ở đây là tư duy phòng ngự. Như đã nói, trước kia, các trung vệ chỉ cần làm giỏi những việc này là được coi là một trung vệ “tốt”: Tắc bóng khỏe, tì đè ngon và biết không chiến. Chuyền chọt ấy hả, cứ để mấy thằng tiền vệ lo. Các trung vệ ngày xưa cũng không cần phải chạy quá nhanh vì họ nhiều khi còn chả rời khỏi Final Third đội nhà, đi đâu cho xa? Nhưng Pep cùng với Klopp đã thay đổi tất cả. Trung vệ chỉ biết theo người? Cứ Rondo mà thoát nó thôi. Trung vệ không chạy nhanh? Chuyền vào khoảng trống xem nó đua tốc độ với tiền đạo của mình xem. Khi chúng ta ngoảnh lại, công việc phòng thủ không chỉ đơn thuần là cướp trái banh và chuyền nó cho thằng khác rồi để nó phát động tấn công. Đối thủ pressing rát? Build-up cẩn thận từ hàng thủ, thoát từng lớp một như bóc vỏ bưởi. Đối thủ kèm người gần hết nhưng trung vệ lại có quá nhiều thời gian có bóng trong chân? Một đường chuyền dài. Dần dà, trung vệ hiện đại không thể chỉ biết đuổi theo bóng như con pug đang đuổi theo cái Frisbee được. Anh ta cần phải có cái đầu, có sự tỉnh táo, tư duy xử lý tình huống, biết được lúc nào anh ta sẽ lao vào tranh chấp với đối thủ hay lúc nào chủ động giữ vị trí không cho đối phương khoảng trống triển khai bóng. Rồi khi anh ta có bóng trong chân, liệu anh ta sẽ chuyền cho ai, có đưa đội vào tình huống khó với những đường chuyền “trời ơi đất hỡi”, hay sẽ giúp đội mình có được tình huống tấn công thuận lợi? Tất cả những trọng trách đó đều đặt lên đôi vai của trung vệ ngày nay, “The Ball Playing Defender.”


Trong hai bài trước của mình về vị trí CB với Skriniar và Tuanzebe, mình đã viết rất nhiều về những kĩ năng này và việc thông thạo chúng, thì hôm nay, khi nhắc tới Ruben Dias, mình hy vọng các bạn sẽ dễ dàng nhận ra tại sao Dias lại “độc đáo” như vậy.

Phản đề cho khuôn mẫu trung vệ hiện đại và tại sao anh lại phù hợp với United

Hình ảnh đầu tiên dễ đập vào mắt những người đang cố gắng xác định lối chơi của trung vệ Bồ Đào Nha này có thể nói đơn giản là sự liều lĩnh. Rất nhiều tình huống, kể cả những tình huống trong highlight, Ruben Dias bỏ hàng thủ (leave the defensive line) lao lên gây áp lực với cầu thủ đối phương đang nhận banh. Anh lao vào tì đè, gây áp lực, gần như là lăn xả với cầu thủ đối phương, hòng ngăn cản, trì hoãn tình huống tấn công hay thậm chí là đoạt lại bóng. Không thể phủ nhận, Dias rất xuất sắc ở khoản này, theo Wyscout, anh “đấu tay bo” trung bình 5.85 lần/trận, cao hơn hẳn so với Skriniar- 5.28 lần/trận. Lối chơi “liều ăn nhiều” này cũng có mặt trái của nó khi tỉ lệ cướp bóng thành công của Dias thấp hơn Skriniar 7%, 26.2% cho Dias và 33.3% cho Skriniar. Mình có coi Primeira Liga chút đỉnh, chủ yếu là của Benfica hay Sporting Lisbon, đa phần những đội đá ở Primeira Liga hay sử dụng “target man” để lên bóng và họ gần như không thể đá với Benfica vì Ruben Dias- tỉ lệ thắng không chiến 53.7% trên mọi mặt trận của anh là con át chủ bài để khắc chế những đường bóng bổng. Manchester United đang sở hữu một trung vệ gần tương tự như vậy, cũng rất hay bỏ hàng thủ chạy theo bóng, cũng xuất sắc trong khoản không chiến và cũng… rất liều. Người đó chính là… Giáo Sư Tiến Sĩ Đại học Harvard Smalldini.


Để nói về Chris Smalling một cách ngắn gọn nhất thì anh là một trung vệ cổ điển rất tốt, nhưng đừng để Smalling lại gần trái banh khi anh không… phá nó ra biên hay giải nguy. Chưa kể, Smalling còn sở hữu tư duy khoảng trống và vị trí phòng thủ, cá nhân lẫn đồng đội, của một… danh hài và với tư cách là một Man Ngu Si Đần lâu năm thì mình có thể mạnh mồm nói rằng Smalling thực sự là một danh hài đúng nghĩa. Nói đi thì phải nói lại, cũng một phần do giai đoạn quan trọng nhất trong sự nghiệp tấu hài quần đùi áo số, giai đoạn hoàn thiện tư duy chơi bóng của anh lại là thời kỳ bất ổn nhất của United. Hai mùa cuối cùng của Sir Alex có lẽ là 2 mùa Chris Smalling đá ổn nhất, khi anh vẫn còn được đánh giá là người kế thừa khả thi cho Nemanja Vidic. Càng về sau, những hạn chế của Smalling càng phơi bày ra và nhiều lúc, nó che khuất những điểm mạnh của trung vệ cao 1m94. Tư duy phòng thủ đồng đội kém, chăm chăm dí theo trái banh như chó dí mèo, khả năng xử lý bóng tối hơn mắt người mù, cùng với đó là bất ổn của hàng thủ United làm cho người ta nhớ tới Smalling như một danh hài hơn là một hậu vệ, dẫu xử lý bóng tệ nhưng vẫn có khả năng phòng thủ tốt.


Ở Ruben Dias, chúng ta có những thứ mà Smalling không có: Sự tập trung cao độ, tư duy phòng thủ, khả năng tung ra những đường chuyền- cả ngắn lẫn dài. Dù phiến diện, nhưng các video highlight trên YT có những điểm chung là: Benfica đang dính phản công nhanh hoặc hở khoảng trống, đường chuyền đều nhắm tới khoảng trống đó và người đầu tiên có mặt ở điểm nóng là Ruben Dias. Mình xin lỗi các bạn vì không có phân tích tình huống trong bài viết này, nhưng mình cũng mạn phép nói luôn là cho đến bây giờ, trừ ấn phẩm trả tiền (subscription magazine) của TFA, vẫn chưa có bài viết phân tích chuyên sâu nào về lối chơi của gã hậu vệ “du côn” của Benfica. Dù vậy, cá nhân mình, lúc mới để mắt tới Dias là trận Benfica gặp Galatasaray. Nếu bạn nào đã coi Benfica đá ở vòng bảng UCL, việc bạn không có ấn tượng hay thậm chí cảm thấy lối chơi của Dias có phần “không não” là hoàn toàn dễ hiểu. Lối đá càn quét của Dias rất độc đáo và hiệu quả, chỉ khi anh được đá cặp với một người với lối chơi “yểm hộ”, không lao lên cùng Ruben. Để Dias yên tâm đá đúng bộ kĩ năng, người đá cặp với anh có nhiệm vụ nặng nề không kém: Xử lý tình huống, nhận ra khoảng trống để lại và nhanh chóng “lấp khoảng trống” khi cần thiết. Như đã nói ở trên, với tư duy phòng thủ hiện tại, kết hợp cùng với sự phổ biến của sơ đồ 4-3-3, tiền vệ trụ (số 6) thường sẽ là người đầu tiên có mặt ở điểm nóng để tranh chấp và cặp trung vệ sẽ có thêm một chút thời gian để xử lý tình huống, mục đích là đưa ra phương án phòng thủ hiệu quả nhất có thể, đoạt lại bóng và xúc tiến phản công. Hiện tại, Manchester United không có cầu thủ số 6 nào đáp ứng được yêu cầu ngoại trừ Matic đang có tuổi. Và đây là lúc Dias tỏa sáng. Dias có đủ tốc độ và óc tập trung cao độ để nhận ra tình huống. Anh không ngại lăn xả tranh chấp, đồng thời đủ tỉnh táo nhận ra rằng xoạc (slide tackle) không phải là lựa chọn quá tốt. Ở Victor Lindelof, anh có một cộng sự đáng tin cậy, một người có khả năng phán đoán tốt, bao bọc khoảng trống do chính anh để lại. Nemanja Matic dẫu tuổi tác vẫn là gã hộ pháp không thể đánh giá thấp khi phòng thủ và ở Dias, Matic có cho mình một người hỗ trợ trong những tình huống phản công nhanh, giúp anh thoải mái hơn trong khâu triển khai bóng cho United. Nói không ngoa, Ruben Dias là mảnh ghép United cần để cải thiện vị trí trung vệ nhức nhối nhiều năm nay kể từ sau sự ra đi của Sir Alex Ferguson.

Đôi lời và kết luận sau cùng

Cả bài viết mình không nhắc tới Eric Bailly vì Eric đã được phân tích quá nhiều và khiếm khuyết tư duy phòng thủ của CB người Congo không còn là cái gì đó khán giả không biết. Nếu các bạn cảm thấy bài phân tích lần này quá lan man, mình nhận lỗi, nên nói tóm gọn lại: Smalling + Bailly – ngáo= Ruben Dias. Tại sao Dias không nổi bằng De Ligt thì mình xin phép trả lời tóm tắt: Hệ thống của Erik Ten Haag, Benfica không có Frenkie De Jong hay Van De Beek, và De Ligt thực sự là thiên tài trẻ tuyến dưới (Bonafide Wonderkid). Dù vậy, với kinh nghiệm chính quy ít ỏi của mình cùng với con mắt hơn 20 năm trời xem và nghiên cứu bóng đá, mình dám đảm bảo Ruben Dias thật sự có tài, nếu không muốn nói là tài năng độc đáo. Ở Dias, có sự lăn xả và liều lĩnh của trung vệ truyền thống, sự tỉnh táo, óc tư duy tình huống, khả năng chuyền bóng của một trung vệ hiện đại. Ruben Dias sẽ là một lựa chọn gây tranh cãi nhưng hoàn toàn hợp lý và cái giá 50-55 triệu bảng cho trung vệ Bồ Đào Nha 22 tuổi là hoàn toàn hợp lý.



936 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page