Tác giả: Hung Luu - https://www.facebook.com/khonghoanhao
Manchester United đã bước vào mùa hè một cách đầy hứng khởi với hai bản hợp đồng mới là Daniel James và Aaron Wan-Bissaka. Họ cũng đã thành công trong việc giữ chân Marcus Rashford với một bản hợp đồng mới, và hiện đang được liên hệ với nhiều mục tiêu ở tuyến giữa nhằm cải thiện khả năng kiểm soát khu vực giữa sân trong bối cảnh Ander Herrera đã sang Paris Saint Germain. Bên cạnh Sean Longstaff của Newcastle United, Bruno Fernandes là cái tên được liên hệ với đội bóng chủ sân Old Trafford khá nhiều trong thời gian qua. Cầu thủ thuộc biên chế Sporting Lisbon có gì đặc biệt, và liệu anh có mang lại cho đội bóng nước Anh những đóng góp trên sân cỏ tương xứng với mức giá 50 triệu bảng như một số nguồn tin đã đưa hay không?
Số liệu trong bài thu thập từ Statsbomb và Whoscored mang mục đích tham khảo không nhằm thu về lợi nhuận.
Các tình huống phân tích lối chơi có tham khảo từ bài viết của Totalfootballanalysis: https://totalfootballanalysis.com/player-analysis/tactical-analysis-bruno-fernandes-sporting-statistics.
Phân tích lối chơi: Một số 10 đã tiến hóa
Với sự phát triển của các hệ thống chiến thuật, đặc biệt là sự vươn lên của các destroyer nơi trung tuyến, những cầu thủ thi đấu với phong cách của các số 10 cổ điển ngày càng ít đất diễn. Sự khó khăn của James Rodriguez hay Mesut Ozil là một minh chứng cho điều này. Trong bối cảnh đó, các cầu thủ tấn công ở trung lộ muốn tồn tại phải tiến hóa: Kevin De Bruyne là một ví dụ điển hình của một số 10 hiện đại – thi đấu trực diện, đặt sự chính xác và hiệu quả lên hàng đầu đồng thời cũng đóng góp tích cực trong quá trình chuyển đổi trạng thái của toàn đội. Cùng theo dõi radar của De Bruyne trong mùa giải bùng nổ 2017-2018 với cầu thủ mà chúng ta đang phân tích để thấy được sự tương đồng về mặt lối chơi:
Bruno Fernandes, dù không thể so sánh về đẳng cấp, là một cầu thủ có tầm hoạt động và vai trò tương tự như De Bruyne tại Manchester City. Tuyển thủ quốc gia Bồ Đào Nha trong hai mùa giải gần nhất hoạt động chủ yếu trong hàng tiền vệ 3 người của Sporting Lisbon. Anh thường được cho phép dâng cao, di chuyển tự do cũng như chủ động phối hợp với các tiền đạo cánh di chuyển, hoán đổi vị trí để kéo giãn cũng như phá vỡ cấu trúc hàng phòng ngự đối phương. Sở hữu một chân trụ vững vàng và một cái cổ chân phải khéo léo, vũ khí đáng sợ trong những tình huống dạt biên của Fernandes là những quả tạt vào trong cho trung phong cao to Bas Dost. Trong tổng số 33 trận thi đấu tại giải VĐQG Bồ Đào Nha mùa trước, cầu thủ từng có thời gian chơi bóng trong màu áo Udinese đã tung ra 59 đường tạt bóng chuẩn xác từ các tình huống open-play (trong tổng số 199 lần tạt bóng, đạt độ chính xác 29.64%). Fernandes cũng tỏ ra hiệu quả khi đứng trước chấm đá phạt góc, với 46/101 quả phạt góc được thực hiện thành công. Cầu thủ 24 tuổi tỏ ra cực kỳ phù hợp với lối chơi của Sporting – đội bóng tấn công dựa nhiều vào các tình huống tạt bóng từ biên như một số ví dụ được đưa ra dưới đây:
Bruno Fernandes cũng rất nguy hiểm khi sở hữu khả năng chuyển trạng thái rất nhanh - điều vô cùng quan trọng đối với các số 10 hiện đại mà tiêu biểu là Kevin De Bruyne. Sở hữu lực chân mạnh và ổn định, cầu thủ người Bồ Đào Nha có khả năng tung ra những đường chuyền dài hay những pha chọc khe cho các cầu thủ tốc độ băng lên ở hai biên. Khả năng tung ra key pass là một trong những điểm mạnh của cầu thủ sinh năm 1994 trên mặt trận tấn công: sau 33 lần ra sân tại Liga NOS mùa trước, anh có tới 104 lần tung ra key pass cho đồng đội, trung bình 3.15 key pass mỗi trận.
Với sự linh hoạt từ các cầu thủ chạy biên và trung phong cao to Bas Dost, Sporting cũng khai thác được một điểm mạnh nữa của Bruno Fernandes: khả năng sút bóng. Cầu thủ người Bồ Đào Nha đã tung ra tới 112 cú sút, trung bình 3.6 cú sút mỗi trận, và có cho mình 14 bàn thắng từ những tình huống dứt điểm cả trong lẫn ngoài vòng cấm. Là một cầu thủ có thể sút và chuyền bóng bằng cả hai chân cũng như sở lực cổ chân rất tốt, Fernandes tỏ ra tương đối thoải mái để có thể sút bóng từ bất cứ góc đá nào xung quanh vòng cấm mà không cần lấy đà quá nhiều, điều được thể hiện rõ ràng ở shot map dưới đây:
So sánh với một cầu thủ tiền vệ cũng sở hữu số lần sút bóng nhiều tương tự ở Manchester United là Paul Pogba (3 cú sút mỗi trận) để thấy được sự khác biệt:
Có thể thấy những cú sút của Paul Pogba chủ yếu diễn ra ở phía trái vòng cấm theo hướng tấn công của đội nhà, thể hiện xu hướng di chuyển theo trục dọc bên trái của cầu thủ người Pháp cũng như thói quen rê bóng qua người và tung cú sút của cầu thủ này. Trái ngược lại với Pogba, vị trí tung ra những cú sút của Bruno Fernandes trải rộng và có xu hướng lệch phải nhiều hơn, tập trung vào vị trí anh thường xuyên nhô cao để có những pha phối hợp hoặc hưởng lợi từ những tình huống kéo và thu hút hậu vệ tốt của người chạy cánh phải bên phía Sporting Lisbon. ExpG từ openplay của Fernandes nhỉnh hơn Pogba một chút, 0.073 so với 0.069, tuy nhiên theo người viết, sự chênh lệch là không quá đáng kể. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về số bàn thắng ghi được và số bàn thắng kỳ vọng của cầu thủ người Bồ Đào Nha khá lớn (ghi được 14 bàn nhưng xG chỉ là 7.51), có thể kết luận dù khả năng sút của Fernandes là tốt và góc sút cũng rất đa dạng nhưng anh ta đã thể hiện vượt gần gấp đôi giá trị kỳ vọng (overperform) trong mùa giải vừa qua, và sẽ dần dần trở lại đúng với giá trị kỳ vọng như trường hợp của Mohamed Salah trong mùa giải đầu tiên và mùa giải thứ hai tại Liverpool. Vẫn rất tốt, nhưng chắc chắn không phải một vị thần.
Tốn bóng, và chắc chắn không phải là "mad dog" hay "có dòng máu quỷ"
Tại Sporting Lisbon, Bruno Fernandes đá cùng Wendel và Nemanja Gudelj trong hàng tiền vệ ba người. Trong khi hai người đồng đội tới từ Brazil và Serbia lần lượt đạt tỉ lệ chuyền bóng thành công 88.6% và 88.7%, con số 75,1% của tiền vệ người Bồ Đào Nha tỏ ra thấp hơn hẳn, đặt ra dấu hỏi lớn về độ chính xác trong những đường chuyền của cầu thủ này. Câu trả lời một phần nằm hệ thống của CLB Bồ Đào Nha, nơi Gudelj đóng vai trò thu hồi, luân chuyển và phân phối bóng tới các mũi nhọn tấn công, còn Wendel thi đấu như một tiền vệ box-to-box, đá đơn giản, chuyền bóng an toàn và sử dụng thể lực cùng sự xông xáo của mình để bù đắp vào những khoảng trống nơi tuyến giữa. Đá cặp với hai người đồng đội như vậy, Bruno Fernandes được quyền di chuyển tự do, thường xuyên xin bóng và tích cực trong việc mang trái bóng lên tới khu vực final third của đối thủ, với 8.13 lần tự mình kéo bóng hoặc thực hiện những đường chuyền vào 1/3 sân phía đối phương mỗi trận. Dù xuất phát ở vị trí lệch phải trong hàng tiền vệ ba người nhưng cầu thủ của Sporting Lisbon được phép di chuyển tự do và anh cũng tỏ ra rất thông minh khi di chuyển không bóng.
Dù sở hữu kỹ thuật và sức rướn tương đối tốt, Bruno Fernandes không phải là một mẫu cầu thủ thích rê dắt bóng. Anh chỉ có tổng cộng 49 lần đi bóng trong 33 trận đấu tại giải VĐQG mùa giải trước với tỉ lệ thành công đạt 63%. Tiền vệ năm nay 24 tuổi thường sử dụng những pha chạm bóng đơn giản (Cruyff-turn và nutmeg là những kỹ thuật thường được cầu thủ này sử dụng nhiều nhất) để qua mặt đối phương, tạo khoảng trống để tung ra những cú sút hoặc những đường chuyền quyết định. Có điều, đôi khi Fernandes giữ và che bóng một cách tương đối cố chấp với hi vọng những quả body-feint của mình sẽ "cho rơi" được người đang đeo bám, trong khi một đường chuyền nhanh và đơn giản sẽ giải quyết được vấn đề một cách triệt để hơn.
Mục tiêu của Manchester United có 2.7 lần mất bóng vào chân đối phương, nhưng đồng thời cũng kiếm về trung bình 2.4 pha đá phạt mỗi trận, sau đó chính anh là người thực hiện và đem lại những tình huống nguy hiểm với khả năng đá phạt tốt của mình. Ở mặt trận tấn công, cầu thủ người Bồ tỏ ra mình là mẫu cầu thủ thi đấu trực diện, ít màu mè nhưng khi chuyền bóng và sút bóng đều rất táo bạo. Với trái bóng trong chân, cầu thủ sinh năm 1994 có khả năng gây thiệt hại cho đối thủ ngay cả trong những thời điểm họ không ngờ nhất.
Tuy nhiên trên thực tế, Bruno Fernandes cũng có những điểm yếu nhất định trong khâu chuyền bóng. Đôi lúc xuất hiện sự cẩu thả trong những tình huống mở biên của cầu thủ người Bồ Đào Nha khi thực hiện động tác mở người chuyền bóng bằng lòng trong tạo độ xoáy quá lớn khiến bóng dễ bị cầu thủ phòng ngự của đối thủ chặn lại, đồng thời khiến đồng đội đang băng lên bị lố đà và để hở khoảng trống ở phía sau. Khi thực hiện các động tác layoff (nhả bóng) một chạm cho đồng đội, cầu thủ thuộc biên chế Sporting Lisbon cũng tỏ ra thiếu nắn nót, những pha layoff của anh ở giữa sân đôi lúc thiếu lực và đặt đồng đội vào thế khó.
Khi không có bóng trong chân, Bruno Fernandes cũng không quá hiệu quả trong việc phòng ngự hay giành lại quả bóng. Cầu thủ người Bồ Đào Nha có 0.63 tình huống cắt bóng và 1.55 tình huống tắc bóng mỗi trận – những con số không hề cao so với một cầu thủ thi đấu vị trí tiền vệ trung tâm. Nỗ lực giành lại bóng của Fernandes cũng khá tốt, với 19.87 lần gây áp lực với các cầu thủ đối phương mỗi 90 phút, tuy nhiên hiệu quả là chưa cao khi pressure regain (đồng đội đoạt bóng từ chân đối phương trong vòng 5 giây sau khi Fernandes thực hiện tình huống gây áp lực) chỉ đạt 3.34 lần mỗi trận, chứng tỏ thời điểm và kỹ năng pressing của cầu thủ này là chưa tốt, hoặc việc gây áp lực của Sporting Lisbon là chưa đồng bộ và còn tương đối rời rạc.
Một lý do khác khiến cho những chỉ số phòng ngự nêu trên của Fernandes không ấn tượng cũng có thể đến từ việc đội bóng Bồ Đào Nha thay đổi shape khi phòng ngự so với khi tấn công. Khi có bóng, cầu thủ 24 tuổi thi đấu như một tiền vệ trung tâm ở trục phải, phía trên là Bas Dost và hai inside-forward dâng cao chiếm lĩnh những hành lang cánh và sẵn sàng di chuyển linh hoạt để hoán đổi vị trí. Tuy nhiên khi mất bóng, Sporting Lisbon trở về với hệ thống phòng ngự 4-4-2 khi hai tiền đạo cánh của họ lùi về thi đấu như những tiền vệ biên, Wendel và Gudeji trụ ở giữa sân còn Bruno Fernandes đứng ngang hàng với Bas Dost hợp thành tuyến đầu của hệ thống phòng ngự. Nói cách khác, cầu thủ người Bồ Đào Nha được miễn giảm trách nhiệm phòng ngự trong một chừng mực nhất định để tập trung cho mặt trận tấn công.
Chắp nối những thông số có được ở trên, và ta sẽ thấy radar của Bruno Fernandes hiện lên như sau:
Các bạn có thấy hình dạng radar này quen quen không? Vì ở Manchester United cũng có một cầu thủ có shape của radar không những từa tựa như vậy, mà thậm chí còn tốt hơn rất nhiều:
Kết luận: Một lựa chọn không hợp lý
Bruno Fernandes là một cầu thủ đá giữa sân với phong cách hiện đại, có khả năng hỗ trợ và tham gia tấn công rất ấn tượng. Anh cũng tỏ ra tuân thủ chiến thuật, tham gia phòng ngự khi được yêu cầu, và chắc chắn là sự bổ sung đáng giá cho mặt trận tấn công đối với bất cứ đội bóng nào.
Well, với điều kiện là đội bóng ấy không có Paul Pogba. Cầu thủ người Pháp tỏ ra vượt trội ở nhiều mặt, đã thi đấu và khẳng định bản thân ở hai trong số năm giải VĐQG hàng đầu châu Âu, sở hữu một thể hình và thể lực ấn tượng, đích thực là một con quái vật ở tuyến giữa. Bruno Fernandes, dù không thường xuyên hoạt động trùng với phần sân ưa thích của Pogba, lại sở hữu lối đá tương đồng của một tiền vệ trung tâm mang xu hướng tấn công. Anh cần được cung cấp bóng để có thể hoạt động hiệu quả và cũng chỉ có thể đóng góp một cách tương đối hạn chế khi không có bóng.
Tiền vệ sinh năm 1994 là một cầu thủ tốt, tuy nhiên không thể khẳng định anh sẽ duy trì được những con số thống kê tương đối ấn tượng trên khi chuyển từ giải đấu có chất lượng thấp hơn nhiều là Liga NOS sang Premier League, nơi mà thể hình không mấy ấn tượng của cầu thủ này (cao 1m79 và chỉ nặng có 69kg) rất có thể sẽ khiến anh gặp khó khăn với lối chơi áp sát nhanh, mạnh và quyết liệt của các đội bóng Anh. Ngoài ra, với xu hướng sử dụng 3 all-rounder (mẫu cầu thủ toàn diện ở các kỹ năng, có thể vừa tấn công vừa phòng thủ tốt) đang nổi lên trên thế giới hiện nay với tiêu biểu là trường hợp của Liverpool, Bruno Fernandes - một cầu thủ đá giữa sân quá thiên về tấn công và cần những vệ tinh xung quanh hỗ trợ - sẽ gặp nhiều khó khăn để thích nghi trong một đội bóng có lối chơi hiện đại, trừ khi anh có thể tự điều chỉnh những thói quen và tư duy của bản thân để kết hợp với bộ kỹ năng sẵn có, điều mà người viết cho rằng tương đối khó xảy ra.
Manchester United có lợi thế khi nhắm đến Bruno Fernandes khi có một mối quan hệ tốt với Sporting Lisbon qua các thương vụ trước đây, đồng thời sân Old Trafford cũng là nơi đã từng ghi dấu ấn chói lọi của các cầu thủ Bồ Đào Nha từng thi đấu. Tuy nhiên, đội bóng của Ole Gunnar Solskjaer cần phải suy nghĩ thật cẩn trọng nếu thực sự muốn thuyết phục cầu thủ 24 tuổi tới với sân Old Trafford. Đặt Bruno Fernandes bên cạnh Paul Pogba có thể sẽ vẫn đem lại hiệu quả, tuy nhiên chỉ khi đội bóng đó được dẫn dắt bởi Pep Guardiola – một bậc thầy về kiểm soát bóng và gò nắn các cầu thủ thi đấu hiệu quả theo hệ thống của mình. Lối chơi rình rập phản công nhanh đang được Ole hướng tới cho Manchester United sẽ mất cân bằng trầm trọng khi cùng xuất hiện cả Fernandes lẫn Pogba ở giữa sân, nhất là trong bối cảnh người còn lại Nemanja Matic đã xuất hiện những gánh nặng về tuổi tác. Với cấu trúc đội hình hiện tại, sự có mặt của Paul Pogba, sự ra đi của Ander Herrera, những gì Manchester United cần là một cầu thủ có thể chơi off-ball tốt, thi đấu đơn giản và tham gia tranh cướp bóng quyết liệt để dọn dẹp cho Matic điều phối bóng và tạo khoảng trống cho Pogba tích cực tham gia tấn công hơn. Bên cạnh đó còn là dấu hỏi về khả năng thích nghi khi thay đổi môi trường, điều mà Victor Lindelof – người cũng tới Manchester từ Bồ Đào Nha, đã tương đối vất vả mới có thể vượt qua được.
Đặt lên bàn cân với mức giá 50 triệu bảng như nhiều nguồn tin đã đưa, Bruno Fernandes là một chữ ký đắt đỏ không gãi vào đúng chỗ ngứa của đội bóng áo đỏ thành Manchester. Ole Gunnar Solskjaer và Ed Woodward cần nhắm tới một cầu thủ thi đấu xông xáo ở trục phải của trung tâm hàng tiền vệ, một người như Wilfried Ndidi, chứ không phải một cầu thủ tấn công dù hay nhưng cần những yếu tố cụ thể để hoạt động tốt như Bruno Fernandes. Thậm chí, với việc một số nguồn tin đưa thông tin giá thương vụ này chỉ ở mức 35 triệu bảng Anh, người viết vẫn cho rằng bản hợp đồng này (nếu xảy ra) là một thương vụ tương đối phí phạm về tiền bạc lẫn phí phạm về tài năng. Ngay cả trong trường hợp Paul Pogba ra đi - điều mà khả năng cao sẽ không xảy ra - thì một người thi đấu gọn gàng và đã có kinh nghiệm chơi bóng tại Premier League như James Maddison của Leicester City sẽ là một sự lựa chọn đáng tin cậy hơn (dù không chắc sẽ rẻ hơn) mà Manchester United có thể nhắm đến.
Comments