top of page
  • Writer's pictureJason W. Ke

Arsenal Scout Report

Bài dịch của Nguyễn Đình Hùng - https://www.facebook.com/erik.le.fantom


 

Người ta thường nói mùa giải thứ hai của một HLV quan trọng hơn mùa giải đầu tiên. Bất cứ chiến lược gia nào, dù tài ba đến đâu, vẫn luôn phải dành mùa bóng đầu tiên ở CLB mới để thích nghi- cầu thủ thích nghi với HLV mới và ngược lại. Tới mùa thứ hai, khi mọi thứ đã “đâu vào đấy”, mọi kì vọng, mục tiêu sẽ lại gây áp lực lớn lên đôi vai nhà cầm quân và khả năng bị sai thải cũng lại tăng theo cấp số nhân. Tất cả đều trở nên quá quen thuộc trong bóng đá hiện đại khi bất cứ HLV nào không thể thuyết phục được BLD dù bằng lối chơi hay thành tích đều rất dễ trở thành “con tốt thí” cho những cơn thịnh nộ của NHM. Về mặt tích cực, năm thứ hai ở CLB của 1 HLV thường luôn có nhiều điều thú vị hơn, đáng để chờ đợi hơn khi ông ta có cơ hội thể hiện triết lý (hay sự thiếu triết lý) của mình sau khoảng thời gian thích nghi. Không hề vô lý khi nói rằng, mùa bóng thứ hai sẽ là mùa bóng “bản lề” cho bất cứ nhà cầm quân nào và chúng ta hoàn toàn có thể nhìn vào đó để “tiên đoán” số phận của người ngồi trên ghế nóng.


Hôm nay, chúng ta sẽ cùng đến với Arsenal qua bài phân tích chiến thuật của Unai Emery aka Unai ChokEmery trước thềm mùa giải thứ hai của ông cùng The Gunners.


Điểm qua lịch sử một chút: Sau 22 năm trên ghế huấn luyện, giáo sư Arsene Wenger quyết định rửa tay gác kiếm. Mùa bóng cuối cùng của giáo sư có thể gói gọn trong hai chữ: thất bại. Lần đầu tiên kể từ năm 1998 (cái năm Zidane đánh đầu tung lưới vũ công Samba để đem World Cup về cho gà trống Pháp), cái tên Arsenal vắng mặt ở UEFA Champions League. Xa hơn một chút, Arsenal của Wenger cũng đang tuột dốc không phanh. Thay đổi là điều tất yếu và các fan của đội chủ sân Emirates cũng không mong đợi thành tích đáng kể nào đến từ HLV người Tây Ban Nha. Mục tiêu của Emery mùa đầu tiên rất đơn giản: Vạch ra kế hoạch hay triết lý phát triển nào đó cho đội bóng và cố gắng giành vé dự UCL.


Và hệ quả tất yếu là mùa giải 18/19 của Unai ChokEmery ở Arsenal có phần thiếu sức sống, thế nhưng, họ đã vào được tới chung kết Europa League (bị ông giáo đánh bại) và có được chuỗi 22 trận bất bại trong năm 2018. Dù vậy, hằng hà sa số vấn đề nội bộ nhanh chóng đập tan bất kì suy nghĩ lạc quan nào. The Gunners khởi đầu mùa giải khá sáng sủa và “sống sót” qua giai đoạn giữa mùa nhưng càng về giai đoạn “chạy nước rút”. Arsenal có hai cơ hội để giành vé dự C1- thắng Europa League hoặc về đích trong top 4 EPL và họ tự bắn vào chân để rồi vuột mất cả hai cơ hội. Không ít ý kiến chuyên môn cho rằng đoàn quân của ChokEmery đang “dậm chân tại chỗ” nên áp lực mùa bóng thứ hai sẽ đè rất nặng lên đôi vai cựu HLV PSG.


Triết lý phục hưng Arsenal của Emery.

Cần phải nói đầu tiên, tất cả những ý kiến chỉ trích trình độ dẫn dắt của Unai là hoàn toàn vô lý và thiếu bằng chứng, nhưng đúng là ông đang thiếu sự ổn định. Cái cảnh đội bóng của Emery đánh bại đối thủ lớn một cách đầy thuyết phục rồi sau đó thua theo cách khó hiểu nhất có thể trước những đội bóng nhỏ không còn xa lạ với những ai quan tâm đến sự nghiệp huấn luyện của ông.

Unai sở hữu một triết lý bóng đá của riêng mình, vay mượn vài ý tưởng từ lối chơi đề cao sự di chuyển và hoán đổi vị trí phổ biến trong bóng đá ngày nay. Về cơ bản, triết lý của ông đề cao hai thứ: cầm bóng và pressing. Về sơ đồ, ông thử nghiệm rất nhiều- 4231, 3412 hay thậm chí là các dị bản của 442, dù vậy, những điều cốt lõi trong triết lý của ông thì không đổi. Ông sử dụng các hậu vệ cánh để tạo chiều rộng, luôn có một cặp tiền vệ kiểm soát (double pivot) ở giữa sân và một số 10 với tần suất hoạt động cao (thần chết Ramsey- ghi bàn là đảm bảo có thằng xuống lỗ). Khi không có bóng, Unai chỉ đạo học trò dâng cao gây áp lực- giữ tuyến phòng thủ cao và các trung vệ sẵn sàng ứng phó tình huống bóng bổng hay thậm chí lao lên hỗ trợ pressing. Các tiền đạo luôn là lớp press đầu tiên, mục đích là ép đối phương phải luân chuyển bóng ra hai hàng lang trong khi các tiền vệ sẽ “giữ zone” và bịt kín tất cả khoảng trống có thể ở khu vực giữa sân.


Sơ đồ 3-4-1-2 của Emery phiên bản Arsenal.


“Tôi muốn đá thứ bóng đá uyển chuyển như tắc kè hoa, vừa có thể tấn công cầm bóng hay tấn công kiểu cổ điển, vừa có thể phòng thủ phản công”- đó là câu trả lời của ông với câu hỏi về “viễn tưởng” của Unai khi dẫn dắt Arsenal. Thực sự, Unai có phần thiên về sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 nhiều nhất như người tiền nhiệm của ông đã làm nhưng có sự khác biệt rõ ràng trong khâu tấn công của hai người.


Sơ đồ 4-2-3-1 của Arsene Wenger.


Khác biệt lớn nhất giữa Unai và Arsene là việc Unai chú trọng sự gắn kết (structure) khi tấn công. Rất dễ để nhận ra sự phóng khoáng, tự do và có phần hỗn loạn của Arsenal thời Wenger trong hình trên. Emery muốn cầu thủ của ông tấn công theo tổ chức nhiều hơn- nói đơn giản thì ông không muốn đội bóng của mình “chạy loạn” mỗi khi xâm nhập vòng cấm đối phương. Lý do lớn nhất cho sự thay đổi này là để hỗ trợ phòng thủ khi bị phản công nhanh (defensive transitions). Arsenal vốn dĩ không sở hữu những trung vệ “đá tảng” lại càng dễ rung lưới mối khi dính phản công nhanh vì đội hình hỗn loạn của Wenger không cho phép các cầu thủ tổ chức phòng thủ bài bản kịp thời.

Ngay ở mùa giải đầu tiên, Arsenal của Emery đã có những cải thiện nhất định trong phòng thủ- đối thủ của The Gunners có ít cơ hội tung cú sút từ phản công (3.4 cú sút) so với thời Wenger (4.9).

Khi tấn công, Emery chỉ đạo cho các học trò lên bóng “trực diện” hơn. Dù thông số cầm bóng mùa 18/19 không khác bọt là bao so với mùa 17/18 (56.1 VS 58.5), số đường chuyền trung bình trận của họ giảm tương đối đáng kể (619.1 VS 547.1). Arsenal không còn nhiều “highlight chuyền một chạm phối hợp ngắn các thứ các kiểu” như thời Wenger, sẵn sàng chuyền liều để tạo cơ hội và khâu triển khai bóng (build-up) cũng được đơn giản hóa để dễ kéo banh sang phần sân đối phương.


Tập trung tấn công hai bên cánh

Về mặt tư duy tấn công, Arsene Wenger và Unai Emery gần như “một trời một vực”. Arsene thích chỉ đạo học trò dồn bóng vào trung lộ, sử dụng khu vực half-space để vào tới final third đối phương. Arsenal của Wenger luôn cố gắng phối hợp một chạm quanh zone 14 kết hợp di chuyển không bóng để áp đảo quân số đối phương, từ đó mở khoảng trống để tạo cơ hội ghi bàn. Emery thì ngược lại. Ông tránh khu vực trung lộ như tránh tà, chủ yếu tấn công hai cánh và tạo cơ hội từ chuyền ngược (cut-back) và… tacadada. Việc “đưa đẩy” trách nhiệm kiến tạo sang cho hai hậu vệ cùng tiền đạo cánh là hệ quả phụ của sự thay đổi này.


Hậu vệ biên (wing-back) overlap cùng tiền đạo cánh để tạo khoảng trống cho quả tạt.


Sử dụng thuật toán khai thác dữ liệu K-mean để phân tích khu vực tập trung bóng của Arsenal cho ra kết quả tương tự như những phân tích vừa rồi. Kết quả áp dụng thuật toán được biểu thị bởi hai ảnh sau đây:


Bốn khu vực luân chuyển bóng nhiều nhất của Arsenal mùa giải 17/18.


Tương tự, mùa giải 18/19.


Mục tiêu cho mùa giải 19/20 và những tồn đọng cần phải giải quyết.

Khỏi phải nói, mục tiêu tiên quyết và quan trọng nhất của Arsenal mùa bóng năm nay là trở lại UCL. Hầu hết những người theo dõi bóng đá đều biết việc không có mặt ở giải đấu danh giá nhất Châu Âu ảnh hưởng xấu đến đội bóng theo nhiều cách- doanh thu, chiêu mộ cầu thủ, vv và mây mây. Hơn nữa, Arsenal nên bung sức giành danh hiệu, không cần phải to tát như EPL hay Europa, chỉ cần FA Cup hay thậm chí là Carabao đều chấp nhận được ở hiện tại. Cạnh tranh với The Citizens và The Kop ở thời điểm hiện tại đương nhiên không hề dễ dàng nếu chả nói là rất khó nhưng sớm muộn gì cũng nên bắt đầu, nếu không phải vì danh hiệu thì thể hiện đội bóng đang có hướng đi rõ ràng.


Khâu phòng thủ

Đã coi Arsenal đá ai cũng hiểu nỗi lo lớn nhất của họ là ở hàng thủ. Mùa giải 18/19, The Gunners đứng thứ 10 trên BXH kì vọng thủng lưới (xG conceded/90) và BXH số cú sút về phía khung thành đội nhà (shots faced/90). Khó có thể chấp nhận đây là thông số của một đội bóng đứng thứ 5 trên BXH EPL và nếu như không được hàng công “gank tem” thì Arsenal hoàn toàn có thể xếp thấp hơn. Footballbh đã có hẳn một bài phân tích riêng về những yếu kém ở tuyến dưới của đội chủ sân Emirates nhưng nói ngắn gọn, vấn đề xuất phát từ cả hai phía- tư duy chiến thuật và sai lầm cá nhân. Cái đầu tiên thì có thể cải thiện được nhưng cái thứ hai thì khá khó nhằn.

Dù Unai Emery đã đem đến những cải thiện nhất định ở khoản “chống phản công” của Arsenal, nhưng cái giá phải trả cho việc đẩy hai hậu vệ biên lên rất cao để hỗ trợ tấn công là… hổng cánh. Tất yếu, bất kì đội nào gặp Arsenal sẽ tìm cách tận dụng điều này để phản công chí mạng (United đã khai thác điểm yếu này trong trận gặp Arsenal hồi tháng Giêng). Giống như “bẫy việt vị”, dù bạn có thủ chắc đến mức nào đi chăng nữa, thi thoảng vẫn sẽ có những tình huống thất bại và chính những lúc này, một trung vệ với khả năng chỉ huy hàng thủ sẽ là cứu cánh rõ ràng nhất và hiệu quả nhất (Văn Đại 1 vs 2 trận gặp Spurs). Arsenal không có trung vệ nào có khả năng này- chắc chắn không phải David Luiz.


Rất nhiều đội tập trung tận dụng điểm yếu tốc độ của hàng thủ Arsenal để phản công.


Vấn đề nổi cộm tiếp theo của Arsenal nằm ở tư duy chiến thuật của chính ChokEmery. Ông thường không tìm được sự cân bằng giữa việc pressing và bịt khoảng trống, đảm bảo các tuyến có thể hỗ trợ lẫn nhau trong phòng thủ. Ví dụ điển hình nhất chính là trận chung kết Europa League: sơ đồ 3-5-2 của Emery để lộ quá nhiều khoảng trống cho Chelsea của ông giáo khai thác. Emery “hiện nguyên hình” thành ChokEmery khi không hề có sự thay đổi nào sau hiệp 1 và hệ quả là ba bàn thua trong hiệp 2 dành cho The Gunners, đồng thời họ để vuột chức vô địch Europa vào tay Chelsea.

Rõ ràng là Arsenal làm rất tốt ở khâu tổ chức phòng ngự kèm theo pressing cao nhưng rất khó để duy trì hiệu quả liên tục suốt 90 phút, chưa kể, phòng ngự cao luôn “khuyến khích” đối phương chuyền vượt tuyến và với tốc độ rùa bò của hàng thủ của The Gunners, không quá khó để mường tượng hậu quả. Với những lý do đó, không quá khó hiểu khi Arsenal chồng đủ 8m bảng lên bàn để đem về David Luiz.


Chuyển Nhượng và các cầu thủ trẻ

Không ngoa khi nói rằng Unai “Thack Sank” ChokEmery vừa có một kì chuyển nhượng thành công vượt ngoài mong đợi nhưng cũng phải nói lại, họ đã để mất một số cầu thủ khá quan trọng. Mất mát lớn nhất phải kể đến Laurent Koscielny và Alex “Iwobinho” Iwobi. Koscielny dù đã có tuổi nhưng trung vệ người Pháp là lựa chọn dự phòng đáng tin cậy với kinh nghiệm và kỹ năng phòng thủ của mình. Về Iwobi, đã có những bài viết khác nói về đóng góp “độc nhất vô nhị” của cầu thủ chạy cánh người Nigeria- nói ngắn gọn thì Iwobi là phiên bản hoàn thiện của Daniel James.

Kieran Tierney và Dani Ceballos là hai cái tên cực kì “tín” mà Emery xúc được mùa hè vừa rồi. Unai thích sử dụng những Wing-back dâng cao để hỗ trợ tấn công và điều này đòi hỏi bất kì hậu vệ cánh nào đá cho Pháo thủ phải sở hữu bộ kĩ năng cùng thể chất tương đối toàn diện- Tierney là hậu vệ cánh trái tiềm năng nhất ở thời điểm hiện tại ngoài Trent của Liverpool. Ceballos dù chỉ là hợp đồng cho mượn nhưng anh hoàn toàn đủ khả năng “trám” vào vị trí Aaron Ramsey để lại.

Thành công lớn nhất của Emery là việc đem về Nicolas Pepe. “Martial thuận chân trái” sẽ là đối tác quan trọng cho cánh trái của Lacazette/ Aubameyang. Pepe sở hữu bộ kỹ năng kinh điển của một tiền đạo cánh cắt vào trong với thông số nổi bất nhất là khả năng lạng lách đánh võng- tiền đạo người Bờ Biển Ngà trung bình một trận rê bóng 4.5 lần/ trận. Bộ ba Auba-Laca-Pepe sẽ là sự kết hợp thú vị và đáng sợ trong mùa giải thứ hai của Emery ở Arsenal.

Nhắc tới công tác tuyển trạch và mua bán của Arsenal mà không đoái hoài tới những cầu thủ trẻ của họ là sai sót không thể chấp nhận được. Những cái tên được Unai tin tưởng cho một suất trong đội hình chính hiện tại gồm có: Joe Willock, Eddie Nketiah và Reiss Nelson- cả ba đều là những cầu thủ trẻ sáng giá. Bên cạnh đó còn có những cái tên như Emile Smith-Rowe hay Bakuyo Sakai (người được xuất phát chính trận gặp Watford) và The Gunners có cho mình một đội hình đầy đủ “chiều rộng lẫn chiều sâu.”


Phương án tấn công có bị “một màu” ?

Như đã nói ở trên, Arsenal hiện tại tập trung tấn công hai biên (heatmap của Ozil ở dưới là ví dụ rõ ràng nhất). Từ một số 10 thuần, Ozil hiện tại di chuyển ra biên nhiều hơn nhưng điều này đồng nghĩa với việc anh không còn có mặt ở khu vực zone 14 quan trọng- nơi mà Ozil để lại nhiều dấu ấn nhất.



Việc thiếu đi một “kế hoạch dự phòng” khiến Pháo Thủ gặp không ít khó khăn trước những đội chuyên đá phòng thủ sâu (low block), chủ động nhường sân. Sở dĩ Arsene Wenger gần như không phải bận tâm đến điều này vì chính sự tự do trong lối chơi của ông biến Arsenal thành một đội bóng “thiên biến vạn hóa” ở khâu xâm nhập vòng cấm- Tốc độ cá nhân, phối hợp ngắn và tận dụng triệt để khoảng không giữa các tuyến giúp việc tạo khoảng trống cho các cầu thủ tấn công của đội đỏ trắng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Unai ChokEmery không muốn học trò đá tự do quá mức nên tất yếu Arsenal của ông sẽ “nấu canh bí” rất đều đặn mỗi khi gặp phải đội bóng nào đã nghiên cứu kĩ lối chơi thiên về chồng cánh của HLV người Tây Ban Nha.


Ozil buộc phải có mặt ở cánh giúp Arsenal tạo lợi thế về quân số.


Kết luận

Arsenal đang trải qua quãng thời gian rất khó khăn ở kỷ nguyên Emirates- từ chuyên môn cho đến bộ sậu lãnh đạo, tất cả đang phải đối đầu với những trở ngại riêng và lẽ ra kỳ chuyển nhượng vừa rồi thay vì thổi luồng gió mới, nó chỉ che đi phần nào những rắc rối cả trên lẫn ngoài sân cỏ. Nên nhớ, Arsenal đang có phong độ khá tệ hại trên sân khách khi đoàn quân của ChokEmery mới chỉ thắng một trận đầy vất vả- thêm một vấn đề nữa Unai cần phải giải quyết. Liệu có khi nào Emery sẽ trở thành Mourinho của Arsenal với mùa bóng đầu tiên tạm ổn nhưng chỉ có tuột dốc không phanh sau đó? Chúng ta cùng chờ xem, dẫu sao thì mùa bóng thứ hai luôn là mùa bản lề của bất kỳ HLV nào.

584 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page