top of page
  • Writer's pictureJason W. Ke

PHÂN TÍCH TRẬN CHUNG KẾT UEFA CHAMPIONS LEAGUE MÙA GIẢI 2010/11

Ngày 28 tháng 5 năm 2011 có lẽ là ngày cay đắng nhất đối với những người hâm mộ Manchester United trong suốt quãng thời gian huy hoàng của đội bóng này dưới triều đại Sir Alex Ferguson. Đó là cái ngày mà Pep Guardiola cùng các học trò chính thức đưa bóng đá thế giới sang một chương mới khi họ đánh bại thầy trò Ferguson với tỉ số 3-1 trên sân Wembley, và ông đồ già đáng kính thành Man đã phải ngả mũ bái phục trước sự áp đảo của những đại diện đến từ xứ sở bò tót.


Mặc dù tỉ số 3-1 không nói lên được quá nhiều điều, thế nhưng, khi nhìn sâu hơn vào số liệu, đa số đều phải đồng ý với sự thật: Barcelona của năm 2011 là đội bóng vô địch không có đối thủ. Thông qua bài viết phân tích chiến thuật trận chung kết Champions League 2011, mình hy vọng sẽ phần nào đó giúp cho các bạn có được cái nhìn rõ nét hơn về trận đấu.

Đội hình và sơ đồ chiến thuật của hai bên

Barcelona của Guardiola vẫn dàn quân theo sơ đồ 4-3-3 biểu tượng cùng Messi số 9 ảo đã trở thành thương hiệu. Với một số 9 ảo ở trên đỉnh tam giác tấn công, David Villa mới là tiền đạo mũi nhọn thật sự của đội chủ sân Nou Camp. Nên nhớ, chúng ta đang nhìn lại trận đấu này vào năm 2020. Trong suốt 9 năm đó, bóng đá thế giới đã dần thích ứng và tìm ra những đấu pháp khác nhau để đánh bại combo “4-3-3+ số 9 ảo”. Thế nhưng, vào năm 2011, đây vẫn là một phương án “bất khả chiến bại.”

Tất nhiên, Sir Alex không phải là một tay mơ. Ông bố trí các học trò theo khối đội hình 4-4-1-1/ 4-2-3-1, với Rooney được đá ở vai trò tiền đạo lùi/ tiền vệ công sở trường, đồng thời dễ bề chăm sóc Sergio Busquets. Để đối phó với “Trent Alexander-Arnold 1.0” Dani Alves, Park Ji Sung được chọn làm chốt chặn phụ bên hành lang trái cùng với Patrice Evra- không khác với những gì Park đã làm 3 năm trước đó.

Sự thống trị của Barcelona trong khâu triển khai bóng

Ngay từ lúc tiếng còi khai cuộc cất lên, Manchester United đã tìm cách tạo áp lực lên tuyến dưới của Barcelona. Thế nhưng, họ đã mắc phải hai sai lầm cơ bản- và các bạn hoàn toàn có thể nhận ra nó trong hình minh họa trên. Sai lầm đầu tiên, United chỉ cắt cử hai cầu thủ để gây áp lực lên tuyến dưới 3.5 người (Victor Valdes chưa phải là một thủ môn biết chơi chân đúng nghĩa). Điều này khiến cho Rooney và Hernandez chả khác gì hai “con ma” trong trò “bóng ma” cả. Chưa kể, United không dâng cao khối đội hình, để cho tuyến giữa của Barca được canh tác trên một thửa ruộng rộng lớn mà không bị ai nhắc nhở.


Một lần nữa, mình xin phép nhắc lại, chúng ta đang nhìn vào trận đấu này 9 năm sau khi nó diễn ra, ở thời điểm đó, vẫn chưa ai “vỡ lẽ” ra được một bí kíp hoàn chỉnh để đối đầu với tiki-taka.


Rooney và Hernandez tìm cách gây áp lực lên bộ đôi Pique- Mascherano.


Có một mánh lới rất đơn giản liên tục được Barcelona sử dụng để thoát khỏi sự kềm tỏa yếu ớt này: đầu tiên, Mascherano sẽ nhận đường chuyền ngắn của Valdes. Khi Rooney áp sát Mascherano, anh sẽ nhả bóng về cho thủ môn. Rooney sẽ chạy theo bóng và Valdes chỉ việc chuyền lại cho Mascherano- người lúc này đã được thoải mái vì không còn bị R10 chăm sóc.


Rooney không kịp quay về để khống chế Mascherano vì mới chạy theo bóng áp sát Victor Valdes.


Dần dà, người ta nhận ra rằng việc có một thủ môn biết chơi chân (Sweeper Keeper) có thể đem lại lợi thế to lớn đến nhường nào, mở ra một kỷ nguyên của những Neuer, Ederson, Oblak.


Ngoài ra, Barcelona vẫn còn chiêu bài “Lavolpiana” huyền thoại để có thể dễ dàng vượt qua tuyến pressing đầu tiên của United. Nguyên lý của nó thì chắc hẳn các bạn đều đã biết: Một tiền vệ từ tuyến giữa sẽ lùi về, hợp thành tuyến dưới ba người với hai trung vệ. Cụ thể hơn, sau khi bộ ba đã được hình thành nơi tuyến dưới, hai tiền vệ trung tâm cũng sẽ tự điều chỉnh vị trí để làm đầu ra cho những đường chuyền “thoát pressing” đã đi vào sử sách bóng đá. Khi kết hợp với việc một số 9 ảo được tự do di chuyển bất cứ nơi nào trên sân, Barcelona hiếm khi rơi vào tình huống bị áp đảo quân số ở bất cứ khu vực nào trên sân.


Người lùi về trong trường hợp này là Busquet, còn Iniesta và Xavi sẽ dàn vị trí để nhận những đường chuyền xuyên tuyến. Đồng thời, Messi số 9 ảo cũng lui về giữa sân và thế là bỗng dưng United bị áp đảo quân số ở cả hai tuyến đầu.


Lavolpiana trứ danh.


Cuối cùng, nếu United quyết định chăm sóc chặt chẽ tiền vệ phòng ngự của Barcelona, một người nữa sẽ lùi sâu và lúc này sơ đồ chiến thuật sẽ trở nên giống 4-2-3-1. Pep và các học trò vẫn bảo toàn sự áp đảo quân số trên mọi khu vực.


Rooney rơi vào tình thế 1 đánh 2 sau khi Iniesta lùi về tạo thành pivot với Busquet.

Cách Barcelona đi đến khung thành của Van Der Sar

Sau khi đưa được bóng qua phần sân đối phương, mục tiêu của Barcelona là tạo sự áp đảo về quân số ở tuyến giữa. Mặc dù, về sơ bộ, sơ đồ 4-4-1-1 của United cho phép họ kèm người tuyến giữa của Barcelona theo một hình ảnh “phản chiếu hoàn hảo”, thế nhưng, một nửa bộ đôi giữa sân của United là Ryan Giggs, người vốn không phải là một tiền vệ công nhân hay có khả năng tì đè, tranh chấp tốt để có thể gây khó dễ cho bộ ba Xavi- Busquets- Iniesta. Để đối phó, Sir Alex đã có hai điều chỉnh cụ thể: Giggs sẽ trở về hành lang trái thay cho Park Ji Sung được kéo vào trung lộ. Lý do cho sự thay đổi này là quá rõ ràng- “Người ba phổi” có đủ sức mạnh và độ dẻo dai để liên tục tạo áp lực lên hàng tiền vệ của Barcelona. Tiếp theo, Rooney cũng lui về từ vị trí tiền vệ tấn công thành tiền vệ trung tâm. Kết quả, United lúc này có hàng tiền vệ 3 người Carrick-Ji Sung-Rooney.


Rooney trở thành tiền vệ trung tâm bên phải, Park được bó vào trung lộ và Giggs được trả về hành lang trái.


Về lý thuyết, hàng tiền vệ này đủ sức để đấu “tay bo” với đối thủ của họ, thế nhưng, nó lại phải đánh đổi quá lớn: Chicharito lúc này đơn thương độc mã trên hàng công, một mình đương đầu với hàng thủ lọc lõi và quái chiêu của Barcelona. Không biết, vì sự kiêu hãnh hay chỉ đơn giản là không thể để đối thủ có được lợi thế, Sir Alex chỉ đạo cho Rooney ít khi lùi sâu, nên thực tế trên sân nhiều lúc là cả Giggs lẫn Ji Sung đều sẽ bó vào trong. Tất yếu, Dani Alves sẽ được tự do, và Barcelona lại có được lợi thế quân số ở khu vực hàng lang phải của họ.


Hình ảnh minh họa cho Park và Giggs đều bó vào trong.


Thực tế trên sân. Lúc này, sau khi Alves dâng cao bên hành lang phải và Villa trở thành trung phong thực thụ, Messi được thoải mái lùi về trung tuyến. Lúc này Barcelona tạo được lợi thế quân số ở hai khu vực: Trung tuyến và hành lang phải.


Có thể nói, ở vai trò số 9 ảo của mình, đặc biệt là ở trong trận đấu này, Messi đá giống như một tiền vệ dâng rất, rất cao chứ không phải là một tiền đạo thực thụ. Dù vậy, bản chất của một “số 9 ảo” cũng đã xóa hoàn toàn lằn ranh giữa “tiền đạo” và tiền vệ.”


Bản đồ nhiệt của Iniesta, Xavi và Messi. Không quá khó hiểu nếu có người nhầm lẫn Messi với một tiền vệ tấn công. Đồng thời, Iniesta, Xavi và Messi rất hay “dẫm chân” lên nhau.



“Juego de posicion” aka “the juggle of positions” và “số 9 ảo”- Công thức huyền thoại của bóng đá hiện đại

Việc luôn có 4 người ở khu vực giữa sân tạo 2 lợi thế to lớn cho Barcelona: Thứ nhất, họ sẽ luôn đảm bảo sự vượt trội về quân số, đảm bảo lưu thông bóng qua lại; thứ hai, kể cả khi đối phương có đoạt lại bóng thành công, việc luôn có một khối kim cương khiến cho việc chuyển đổi trạng thái nhanh của bất kì đội nào phải đá với Barcelona trở nên khó khăn gấp bội. Về mặt tấn công, mỗi khi bóng được đưa đến chân Andres Iniesta, Messi sẽ lập tức xâm nhập khu vực half-space trái của United do Vidic trấn thủ. Thế nhưng, với việc David Villa luôn đứng giữa Rio- Vidic buộc cặp trung vệ này phải giữ vị trí. Hậu quả là, Dani Alves sẽ được tự do bên hành lang phải, vừa có thời gian lẫn khoảng trống để canh chỉnh cho một quả tạt nguy hiểm.



Lối di chuyển của Barcelona còn tạo ra một khoảng trống cực lớn ở khu vực giữa các tuyến, nơi ưa thích của Lionel Messi.


Khi United nhận ra lối di chuyển của Barcelona và tìm cách điều chỉnh, họ tiếp tục mắc phải sai lầm nghiêm trọng: Không nhận ra sự áp đảo của Barca mấu chốt nằm ở tuyến giữa mà tìm cách tập trung vào hai cánh. Cứ mỗi khi đội chủ sân Nou Camp lên bóng gần biên, tuyến giữa của United sẽ co hẹp lại một bên và cố gắng áp sát bên còn lại. Thế nhưng, với Lionel Messi được tự do di chuyển đã đảm bảo lợi thế quân số cho đoàn quân Tây Ban Nha dù ở bất kì khu vực nào trên sân.


Nếu như United quyết định lùi sâu và tập trung vào các cầu thủ ở nửa trên sơ đồ, Xavi và Busquets sẽ được dư dả cả về thời gian và khoảng trống để tiến vào final third của thầy trò Sir Alex.


Còn khi tuyến giữa của United quyết định lao lên áp sát hai tiền vệ kiến thiết của Barca, họ sẽ để lại quá nhiều khoảng trống giữa các tuyến cho Iniesta, Messi và có khi là cả David Villa tận dụng.


Bây giờ mình sẽ phân tích tình huống ghi bàn mở tỉ số của Barca. Rooney quyết định không lùi về hỗ trợ phòng ngự, Iniesta và Busquets lùi sâu tạo thành cặp pivot, buộc các tiền vệ trung tâm của United phải chú ý đến họ. Hãy lưu ý Xavi sau lưng Giggs và Carrick. (Hình minh họa bên dưới)



Xavi nhận đường chọc khe đơn giản của Iniesta và có cả một cánh đồng ruộng bay thẳng cánh ở đằng sau để rong chơi. Lưu ý Messi (số 10) đã dạt vào trong và đang bị kèm.



Patrice Evra quyết định bó vào trong để tạo thế 2 đánh 1 với Lionel Messi. Thế nhưng, anh đã hoàn toàn bỏ quên Pedro. Lại một đường chuyền xuyên tuyến xẻ nách và Pedro đối đầu với Edwin Van der Sar.



9 năm sau trận đấu này, rất dễ để nói hàng thủ United đã mắc quá nhiều sai lầm trong khâu phòng ngự trước một lối chơi đề cao sự di chuyển. Dù vậy, nên nhớ rằng, vào năm 2011, khái niệm “phòng ngự giữa các tuyến” vẫn còn rất mông lung và mù mờ trong bóng đá “hại điện”. Chưa kể, đối đầu “1-on-1” với Lionel Messi trẻ tuổi, vẫn còn đầy đủ tốc độ lẫn thể lực chưa bao giờ là quyết định khôn ngoan.

Có lẽ tất cả mọi người đều nhớ Messi của giai đoạn 2011 tới 2015 nguy hiểm như thế nào. Anh nguy hiểm tới mức, dù sở hữu cặp trung vệ sừng sỏ nhất bóng đá thế giới vào thời điểm đó- Vidic và Ferdinand, Manchester United vẫn lúng túng khi tìm cách giải bài toán “Lionel Messi.” Để cho Messi được thoải mái ở khu vực giữa các tuyến thì tốt nhất là các bạn nên bỏ trận đấu và đi tắm sớm cho đỡ nhức đầu, còn nếu một trung vệ đã được phân công “chăm sóc” cầu thủ người Argentina, anh ta sẽ luôn để lại một lỗ hổng to lớn ở tuyến phòng thủ. Đó chính là vấn đề mà United đã gặp phải trong trận đấu này và dù lựa chọn như thế nào, United sẽ luôn gặp khó.


Nếu Vidic quyết định lao lên, anh sẽ để lại khoảng trống ở hàng thủ, buộc Evra phải bó vào để lấp lỗ hổng. Hệ quả là David Villa hoặc bất cứ cầu thủ nào khác của Barca được phân công khu vực cánh phải sẽ được tự do.


Cuối cùng, kể cả khi United đã lùi sâu, sơ đồ 4-4-2 với chỉ 2 tiền vệ trung tâm so với 4 của Barcelona (Xavi-Busi-Ini-Messi) đồng nghĩa với việc các khẩu đại pháo của Pep sẽ luôn được thoải mái nhả đạn khi đội chủ sân Nou Camp luôn có một người được thoải mái vì Wayne Rooney là một tiền đạo chứ không phải tiền vệ, và anh cũng không hề tham gia phòng ngự quá nhiều. Đồng thời, như đã nhắc ở trên, chỉ phân công một người kèm Lionel Messi chưa bao giờ là việc nên làm.


Vì R10 không hề có đóng góp đáng kể nào cho khâu phòng ngự, tuyến giữa 2 người của United luôn bị bộ ba huyền thoại của Barcelona bóp nghẹt. Kể cả khi tuyến phòng ngự thầy trò Ferguson đã lùi sâu, họ vẫn sẽ luôn để thừa một cầu thủ.


Shot map của Barcelona. Có thể thấy khá nhiều cú sút của họ trong trận đấu này được tung ra từ ngoài vòng 16m50, và một trong những cú sút đó là bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 của Messi.

Lối chơi của United

Mỗi khi MUFC triển khai bóng, đội bóng của Sir Alex cho phép hai hậu vệ biên dâng cao và đây là một quyết định thiếu khôn ngoan. Với một tuyến giữa chỉ có 2 người, các trung vệ đội đỏ thường không có quá nhiều lựa chọn để đưa bóng ra khỏi khu vực final third đội nhà. Một lần nữa, Barcelona lại luôn có lợi thế về quân số ở tuyến giữa với R10 không lùi về phòng thủ. Điều này giúp họ thoải mái chuyển qua sơ đồ 4-4-2 và phòng thủ theo người, buộc United phải sử dụng những đường chuyền dài mang tính chất xổ số nhiều hơn là chiến thuật.


Nếu United tìm cách sử dụng hai hành lang để kéo bóng, Barcelona có thể dễ dàng dịch chuyển hàng tiền vệ để tạo lợi thế quân số.


Để ý “bóng” của Messi (10) và David Villa (7) đã khóa chặt bộ đôi Ryan Giggs (11)- Michael Carrick (16). Kể cả khi United luân chuyển ra biên, Iniesta (8) và Dani Alves (2) vẫn đảm bảo được cân bằng quân số với Park Ji Sung (13) và Patrice Evra (3).


Khi vào tới final third của Barcelona, United của Ferguson, đúng theo “sách giáo khoa bóng đá Anh” sẽ cho phép một người trong bộ đôi tiền vệ trung tâm được thoải mái tấn công, xâm nhập vòng cấm của Victor Valdes, mục tiêu là tạo lợi thế quân số ở khu vực trung lộ, tạo khoảng trống cho các cây săn bàn của họ. Đó cũng là cách United đã ghi được bàn thắng quân bình tỉ số.


Với Giggs băng lên tham gia tấn công, United lúc này đã tạo được thế 3 đánh 3 ở trung lộ (Abidal không thể bỏ vị trí bó vào trong).


Pha rê bóng của Giggs đã thu hút rất nhiều sự chú ý của hàng thủ Barcelona, theo đó là tình huống chạy chỗ của Chicharito đã biến R10 (vòng tròn vàng) thành người vô hình với đội chủ sân Nou Camp.


Dù vậy, mánh lới tấn công này vô hình chung đã đem lại lợi thế cho Barcelona mỗi khi họ phản công. Với Giggs đã băng lên, tuyến giữa của United chỉ còn 1 người duy nhất là Michael Carrick và anh luôn rơi vào những tình huống “ỷ đông hiếp yếu” mỗi khi Barca thu hồi bóng và chuyển đổi trạng thái.

Michael Carrick (16) luôn bị áp đảo mỗi khi United dính phản công với Giggs (11) băng lên quá cao.


Cả Giggs và Park Ji Sung đều đang xâm nhập vòng cấm.


Và thế là Carrick lẻ loi cô độc khi United dính phản công.


Khi United đoạt lại bóng từ những tình huống phòng thủ, họ thường tìm cách loại bỏ khối phòng thủ của Barca bằng một đường chuyền dài cho Javier “Chicharito” Hernandez đua tốc. Dù vậy, tiền đạo người Mexico chưa bao giờ là một cầu thủ có tố chất “làm mũi nhọn của cây lao” và liên tục rơi vào bẫy việt vị hoặc không thể đối đầu với bộ đôi Pique- Mascherano. Kể cả sau khi đã vượt qua được hai trung vệ của đội chủ sân Nou Camp, Chicharito vẫn còn phải đối đầu với Victor Valdes, người luôn dâng cao để có những pha giải vây đúng lúc.

Kết Luận

Sau khi trận đấu kết thúc, Barcelona của Josep “Pep” Guardiola trở thành những nhà vô địch của Champions League, dù vậy, điều quan trọng ở đây là họ vô địch với sự áp đảo tuyệt đối về cả số liệu thống kê lẫn lối chơi. Kỷ nguyên thống trị hoàn toàn của Barcelona chính thức bắt đầu, và phải tới khi Jurgen Klopp đưa Liverpool trở lại với ánh hào quang, thế giới bóng đá mới lại biết đến sự cân bằng. Nếu như có ai đó đã quên mất rằng Barcelona của Pep là một thế lực vô đối như thế nào, hãy nhắc họ rằng Real Madrid của Jose Mourinho đã phải về nhì với số điểm 92 ở La Liga mùa giải 2010-2011. Nếu như mình nhớ chính xác, mới chỉ có thêm Liverpool phải về nhì với số điểm trên 90 trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại.


Cuối cùng, để khép lại bài phân tích chiến thuật, mình xin phép trích lời phát biểu của Sir Alex Ferguson sau trận chung kết:

"Tôi chưa từng bị ai đánh bại một cách thuyết phục như thế này trong xuyên suốt sự nghiệp, và họ hoàn toàn xứng đáng với chiến thắng. Họ là tập thể kiệt xuất nhất mà tôi từng đối đầu, và là đội bóng tuyệt vời nhất, đang cực thịnh nhất trong giai đoạn hiện tại của bóng đá và cả ở độ chín muồi."


1,563 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page