Mối quan hệ giữa Carlo Ancelotti và Everton là một mối quan hệ khá đặc biệt và đầy duyên ngộ. Ngay từ lúc trở thành đại cổ đông ở The Toffees, Farhad Moshiri đã muốn người ngồi trên chiếc ghế nóng của mình là một HLV tầm cỡ thế giới. Lúc đầu, Ronald Koeman là người đã được kỳ vọng và tin tưởng, thế nhưng màn trình diễn quá thất vọng của HLV trưởng ĐTQG Hà Lan đã làm “tan nát con tim” doanh nhân người Iran. Ngay sau khi sa thải Koeman, Moshiri đã có những động thái liên hệ với chiến lược gia người Ý, nhưng cũng giống như bao câu chuyện tình cảm, cái thành ngữ “đúng người sai thời điểm” tiếp tục là thứ khiến hai bên… không thể đến với nhau. Sau những “cuộc tình chóng vánh” không thể có kết thúc hạnh phúc, Ance và Everton cuối cùng cũng đã tìm được nhau thêm một lần nữa.
Ngay sau khi ra mắt học trò, Carlo đã giúp họ giành được hai chiến thắng trước Burnley (1-0) và Newcastle (2-1). Cả hai chiến thắng đều không quá quan trọng về chuyên môn, nhưng về tinh thần là cần thiết để mở đầu cho mối quan hệ giữa một vị HLV lão làng, người đang có nguy cơ trở nên lỗi thời và một đội bóng, chỉ tầm trung nhưng giàu tiềm lực. Tính tới thời điểm hiện tại, The Toffees đã giành tổng cộng 5 chiến thắng, hòa 2 và thua 2, trong đó có trận thua khá muối mặt trước đội trẻ của Liverpool. Dù vẫn còn một chặng đường rất dài phải đi, những bước đi ban đầu của HLV “thích cúp vàng hơn thịt lợn ý” đang chứng minh rằng: Ông không phải người đồng nghiệp đến từ Bồ Đào Nha và ông vẫn có thể là một thế lực không thể xem thường ở EPL.
Đối với những ai hay dõi theo sự nghiệp của Carlo, chiến thuật 4-4-2 là một thứ không hề xa lạ. Ancelotti bắt đầu nền móng cho hệ thống của ông từ CLB hạng 3 Reggio Audace, rồi tới Parma và đạt tới cực thịnh ở AC Milan. Dù vậy, ít người để ý và nhận ra, Ance còn là một nhà quản trị lỗi lạc, biết rằng mình không thể có tất cả mọi thứ chi li tỉ mỉ theo ý mình mà phải điều chỉnh, thích nghi theo tình hình và thậm chí phải chấp nhận hy sinh ít nhiều. Ở Everton, ông đang xây dựng hệ thống chiến thuật hợp lý với tình hình nhân sự hiện tại nhưng vẫn đậm nét riêng của mình, khác hẳn với sự bảo thủ đến cùng của Jose Mourinho ở Spurs.
Phòng thủ
Khi không có bóng, Ance vẫn chỉ đạo học trò bày binh bố trận theo sơ đồ 4-4-2. Là một tông đồ của Arrigo Sacchi, ông tin 4-4-2 sẽ giúp ông tối ưu việc thu gọn khối phòng thủ, hạn chế không gian cả về chiều ngang lẫn chiều dọc. Đồng thời, Ancelotti cũng nhận ra sự quan trọng của việc pressing tầm cao trong bóng đá hiện đại, hoàn toàn ngược lại so với Mourinho.
Thông thường, đội hình của Ance sẽ dàn theo sơ đồ 4-4-2 với 2 tiền vệ cánh bó vào khu vực half-space. Điều này cho phép hai hậu vệ cánh dâng cao, tránh trường hợp the Toffees bị áp đảo về quân số ở cánh. Lúc này, hai trung vệ sẽ đóng vai trò 2 “máy quét” ở sau lưng tuyến press, hỗ trợ đối đầu với những tình huống chọc khe hoặc những đường chuyền dài qua đầu hàng thủ. Trong trường hợp Everton đang đối đầu với một đối thủ mạnh hơn hẳn về khả năng tấn công, hai tiền vệ trung tâm sẽ là những người lùi xuống chiếm zone 14 của đội nhà, chấp nhận “buông” zone 11. Đổi lại, thầy trò Ancelotti sẽ có một khối phòng ngự 4 người- 2 tiền vệ trung tâm và 2 trung vệ. Nói tóm gọn, Everton của Carlo Ancelotti kết hợp cả phòng thủ theo khu vực (zonal marking) lẫn phòng thủ theo người (man marking) và như chúng ta đã biết, đội bóng nào muốn thành công ở kỷ nguyên bóng đá hiện tại đều phải hiểu điều này.
Sơ đồ bố trí đội hình của Everton khi phòng thủ. Lưu ý hình bên phải, bóng của cặp trung phong khiến cho việc tiếp cận tuyến giữa trở nên khó khăn hơn khi họ có thể cắt bất cứ đường chuyền xuyên tuyến nào hoặc khiến cho đối phương rơi vào “bẫy” pressing.
Khi Everton press, trọng trách pressing tuyến đầu phần nhiều sẽ thuộc về Dominic Calvert-Lewin, Richarlison sẽ chỉ press khi nào đối phương thực hiện một đường chuyền chéo sân. Nếu đối thủ quyết định đưa bóng cho thủ môn của họ, Gylfi Sigurdsson sẽ được phép dâng cao và kèm bất cứ cầu thủ nào đang lùi sâu, mục đích là ép một đường chuyền “bậy” (Risky pass). Đồng thời, để đảm bảo tối đa hiệu quả, cặp trung phong Richarlison và Calvert- Lewin sẽ di chuyển rộng. Lúc này đội hình của Everton sẽ giống sơ đồ 4-3-3 hơn là 4-4-2.
Gilfy sẽ dâng cao nếu bóng được trả về phía thủ môn. Dù vậy, sơ đồ press này có những hạn chế nhất định.
Tất nhiên, hệ thống của Ance vẫn chưa hoàn thiện và còn đó những lỗ hổng khá lớn để khai thác. Việc cho phép 2 hậu vệ cánh được dâng cao, cộng thêm sự “máu chó” của tuyến đầu khi gây áp lực tầm cao khiến cho Everton rất dễ bị tổn thương nếu đối thủ có những chân chuyền thoát pressing tốt. Thêm vào đó, việc chỉ có hai tiền vệ đảm nhiệm cả zone 11 lẫn 14 sẽ là tiền đề hoàn hảo cho những pha bứt tốc chiếm lĩnh khoảng trống. Điều này trở nên đặc biệt nguy hiểm khi cặp trung vệ không kịp phản ứng và “bịt” không gian thường được đảm đương bởi một tiền vệ trung tâm. Carlo đã lường trước điều này và chỉ đạo cho các học trò chủ động tìm cách bao bọc khoảng trống, cụ thể hơn, ông muốn các cầu thủ nắm khu trung lộ của mình phối hợp để khi 1 trung vệ quyết định giãn rộng và hỗ trợ hậu vệ cánh, 1 tiền vệ sẽ chọn vị trí hòng loại bỏ phương án chuyền cho cầu thủ đang tìm cách xâm nhập phần sân trung vệ bỏ lại. Đây chắc chắc không phải là một giải pháp quá tốt nhưng là sự đánh đổi cần thiết với tình thế hiện tại của Everton.
Tấn công
Ở phía ngược lại, Everton đã có những cải thiện đáng kể về mặt lối chơi từ khi Ancelotti ngồi lên chiếc ghế nóng. Khi triển khai bóng, một nửa bộ đôi trung tâm tuyến giữa sẽ lùi về, cùng với cặp trung vệ tạo thành một tam giác chuyền bóng. Điều này cho phép 2 trung vệ thoải mái dâng cao, phối hợp với các tiền vệ cánh.
Một tiền vệ trung tâm sẽ lùi sâu trong khi 2 hậu vệ cánh được phép dâng cao.
Everton của Ance cũng không hề thiếu phương án để vào tới vòng cấm của đối phương. Phía hành lang trái, Bernard sẽ bó vào giữa sân, cho phép Lucas Digne phối hợp ít chạm với tiền vệ cánh người Brazil đế tiến về phía Final Third của đối phương. Ở tiền vệ cánh người Brazil hội tụ cả tốc độ lẫn kỹ thuật cá nhân và anh đã được tin tưởng một suất đá chính từ thời Marco Silva . Theo thông số ở dưới, không quá khi nói rằng Ance đang là người khai thác hết khả năng của anh khi chỉ mới được đá chính sáu trận nhưng Bernard đã kịp có cho mình một bàn thắng và một kiến tạo. Dù vậy, chúng ta vẫn cần phải nhớ rằng Ancelotti mới cầm quân chưa đầy 2 tháng.
Bernard được đá chính 4 trận kể từ lúc Ance ngồi lên ghế nóng và đã có đóng góp với một pha kiến tạo và một bàn thắng.
Bên cánh phải, Ance sở hữu cho mình một cầu thủ chạy cánh truyền thống, Theo Walcott- cái tên khá quen thuộc với những ai từng theo dõi Arsenal. Anh hoàn toàn có khả năng làm những gì người đồng đội bên hành lang kia đã thể hiện, nhưng điểm mạnh nhất của Walcott nằm ở khả năng bám biên. Tốc độ của Walcott dù không “xẹt điện” như thời đỉnh cao, dù nó vẫn đủ thể thắng phần lớn những pha chạy đua nước rút. Để đảm bảo Suzuki Sport một thời của tuyển Anh không bị “ỷ đông hiếp ít”, hậu vệ cánh phải (Sidibe hoặc Coleman) sẽ xâm nhập khu vực half-space, sẵn sàng kết hợp với Theo, giúp anh có được khoảng không gian và thời gian cần thiết để tung ra những quả tạt dọn cỗ.
Bernard và Lucas Digne. Bernard là chấm đỏ. Mũi tên đứt đoạn chỉ hướng chuyền/ phối hợp của anh và Digne.
Để nhìn nhận một cách trực quan hơn, tôi sẽ phân tích tình huống mở tỉ số của Everton trong trận tiếp Crystal Palace. Bắt đầu từ một pha ném biên bị mất bóng, Everton counter press thành công và Seamus Coleman (số 23) tìm cách chọc khe thẳng cho Theo Walcott.
Seamus Coleman chọc khe cho Theo Walcott.
Walcott nhận ra mình không ở vị trí thuận lợi để bứt tốc, anh quyết định chuyền một chạm trả về cho Morgan Schneiderlin.
Nhớ chú ý sau lưng nhé Schneiderlin.
Thế nhưng, một giây mất tập trung của cựu tiền vệ MUFC suýt nữa đã làm đi tong tình huống tấn công của Everton khi anh lập tức bị James McCarthy gây áp lực (vòng tròn vàng hình trên). Rất may cho anh, tiền vệ Gylfi Sigurdsson đã bọc lót kịp thời, cứu vãn pha áp khung thành của Everton.
Gylfi Sigurdsson bọc lót kịp thời, duy trì thế chủ động cho the Toffees.
Gylfi (số 10) quyết định đi bóng câu kéo các cầu thủ phòng ngự của Crystal Palace, buộc họ phải chú ý đến anh và bỏ quên Theo Walcott. Ngay khi nhận ra Walcott có đủ không gian và thời gian xoay sở để bứt tốc, tiền vệ tấn công người Iceland lập tức có một pha vẩy má ngoài nhả bóng cho chiếc xì po đang đợi sẵn.
Theo Walcott (vòng tròn vàng) được thoải mái vì Seamus Coleman đã câu kéo sự chú ý của Patrick Van Aanholt (mũi tên vàng), khiến cho anh không kịp áp sát tiền vệ cánh nổi tiếng với khả năng bứt tốc của mình.
Walcott làm những gì anh làm tốt nhất: Xoay trở trong không gian hẹp và bứt tốc. Patrick Van Aanholt nhanh chóng bị anh bỏ lại sau lưng và lập tức cầu thủ người Anh có một đường tạt cánh. Để ý trong vòng cấm có tới 4 cầu thủ Everton sẵn sàng nhận bóng dứt điểm và tất cả đều đang chạy chỗ.
Gilfy (số 10) chậm lại và chuyển hướng yểm trợ đồng đội trong trường hợp không ai đón được bóng. Calvert- Lewin nhảy lên đánh đầu nhưng không thể với tới, nhưng đằng sau là Richarlison và Bernard sẵn sàng ứng cứu. (bóng là vòng tròn vàng)
Người chạm bóng cuối cùng là Bernard và cú vô lê của anh mang về bàn thắng mở tỉ số, khởi đầu cho chiến thắng 3-1 của Everton.
Ở phía trên, Calvert-Lewin và Richarlison đang tạo thành “Cặp đôi bù trừ” hoàn hảo. Calvert-Lewin có sức mạnh và khả năng tì đè tranh chấp, còn Richarlison- người giàu kỹ thuật cá nhân hơn trong 2 tiền đạo, sẽ chờ sẵn để ứng phó với những pha bóng hai hoặc những tình huống nhả bóng sau khi Calvert làm “chim mồi”. Nếu tình huống cho phép, Richarlison sẽ là người xâm nhập vòng cấm trước trong khi Calvert Lewin giữ bóng. Lúc này, tiền đạo trẻ người Anh thường cố gắng tìm một đường chuyền chọc khe cho người đá cặp, nếu không, anh sẽ mở biên cho Bernard hoặc Walcott.
Carlo hiểu rõ khả năng tạo đột biến của tiền đạo người Brazil và ông đã có một số ưu ái dành cho anh: Richarlison được đá rất tự do, có thể lùi xuống, có thể dạt cánh, thậm chí anh không phải đóng góp quá nhiều trong khâu pressing tuyến đầu. Ý đồ của Ance rất đơn giản: Khai thác tối đa điểm mạnh của cầu thủ số 7, đồng thời vẫn đảm bảo cấu trúc vững chắc cho đội hình Everton.
Kết luận
Nhìn chung, Everton là đội bóng nguy hiểm nhất ở những pha phản công, khi các cầu thủ của họ có đất để phô trương khả năng cosplay từ Yamaha Exciter cho tới Suzuki Sport, làm thất điên bát đảo bất cứ hàng thủ nào vô phước chạm mặt băng cướp chó này. Lúc cần kíp, những tình huống cố định với sự góp mặt của trung vệ Yerry Mina cũng là một lựa chọn, tránh tình trạng thầy trò Ance phải chia nhau “nồi canh bí tình thương.” The Toffees hoàn toàn có khả năng triển khai lối chơi từ tuyến dưới nhưng bản chất của sơ đồ 4-4-2 (chỉ có 2 tiền vệ trung tâm) sẽ luôn là một mối phiền hà nhất định cho các cầu thủ, buộc họ phải di chuyển nhiều hơn và chú ý xung quanh tốt hơn.
Điều quan trọng nhất với Everton lúc này là họ đã có một bàn tay định hướng với một triết lý, tầm nhìn rõ ràng chứ không còn cảm giác bơ vơ bỡ ngỡ như thời Marco Silva. Với một HLV dày dạn kinh nghiệm, mát tay trong quản lý nhân sự và óc quan sát tinh tường, Everton đang chập chững những bước đi đầu tiên để tiến ra biển lớn, những bước đi đáng lý đã phải bắt đầu từ lâu.
Nguồn tham khảo:
Everton Tactics under Carlo Ancelotti
How Everton chased Ancelotti for two years
Whoscored
Comments