Hoàng Thông - Le Foot (dịch) - https://www.facebook.com/lefoot.hoangthong/
Published in VietnamPlus
Kỳ chuyển nhượng bóng đá luôn là thời điểm mang đến những cảm xúc đa dạng cho người hâm mộ: sự hy vọng, niềm hân hoan, sự thất vọng, nỗi tiếc nuối. Thị trường chuyển nhượng hấp dẫn bởi những câu chuyện, những tin đồn, những thông tin thực hư không rõ kéo dài như bất tận trên các mặt báo. Ai là người xác định mức phí chuyển nhượng? Một thương vụ chuyển dượng tự do có thật sự miễn phí? Những CLB bù đắp cho chi phí thực hiện các thương vụ như thế nào? Một người trung gian đại diện cho cầu thủ làm gì và tại sao các câu lạc bộ lại cần họ? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ với góc nhìn chuyên sâu, đa chiều của nhà báo - chuyên gia bóng đá nổi tiếng thế giới, Gabriele Marcotti, trên ESPN.
Có phải tất cả những câu chuyện chuyển nhượng trên báo mạng đều chỉ để dụ dỗ người đọc click chuột nhằm “câu view”?
Một số thì quả nhiên như thế. Một số khác thì không có mục đích tương tự, nhưng lại có nguồn thông tin không đáng tin cậy hoặc được xào nấu lại. Một khi các bạn đọc được một thông tin chuyển nhượng nào mà nội dung được trích dẫn từ một trang tin khác, có nghĩa rằng trang tin mà các bạn đang đọc không thể xác minh được sự chính xác của câu chuyện. Bản thân nguồn thông tin cũng được phân chia thành các thứ hạng tin cậy khác nhau.
Một số trang tin có nguồn của riêng họ, bản thân những nguồn này cũng là một câu chuyện thú vị. Chẳng hạn, một câu lạc bộ hoặc một người đại diện cầu thủ có thể hé lộ thông tin ở hậu trường cho các phóng viên, rằng họ đang quan tâm đến một cầu thủ X từ câu lạc bộ Y hay Z nào đó. Có điều chẳng ai dám chắc thông tin đó có đúng là sự thật hay không.
Lý do thông tin đó có thể không đúng sự thật là vì nó được tạo ra để gia tăng sự quan tâm lên cầu thủ X. Từ đó có thể góp phần đẩy giá lên cao. Một người đọc khôn ngoan cần phải định hình rõ trong tâm trí mình đâu là nguồn thông tin đáng tin cậy, và đâu là phóng viên đưa tin uy tín.
Một trường hợp khác cũng xảy ra thường xuyên là có một thông tin chuyển nhượng xuất hiện ở một quốc gia vào ngày thứ Ba. Sau đó cũng thông tin này được đăng tải ở một quốc gia khác vào ngày thứ Tư. Thậm chí, có thể sang đến ngày thứ Năm, thông tin ấy lại tái xuất hiện ở chính quốc gia mà nó khởi nguồn, với lý do là đã được một nguồn tin khác “xác nhận”. Trên thực tế, “nguồn tin khác” kia chỉ là đăng lại thông tin ban đầu. Chuyện này trong quá khứ rất hay diễn ra. Ngày nay thì ít dần nhờ vào internet và dòng chảy tin tức 24/7. Đổi lại, bây giờ đằng sau mỗi thông tin được đăng tải, có hàng tá câu chuyện hậu trường.
Quả nhiên như thế! Vậy những nguồn thông tin, chúng cụ thể là gì?
Thực chất, trong hệ sinh thái chuyển nhượng, có rất nhiều người biết rõ chuyện gì đang thực sự diễn ra. Một vài người có được bức tranh toàn cảnh, một số khác thì hiểu được một phần, nhưng tựu chung lại thì có rất nhiều người truyền đi thông tin qua những cuộc nói chuyện. Các cầu thủ đều có gia đình, bạn bè và các đồng đội. Họ nói chuyện với nhau, thế là thành nguồn.
Trong hệ sinh thái chuyển nhượng, có rất nhiều người biết rõ chuyện gì đang thực sự diễn ra.
Các câu lạc bộ có những vị giám đốc, tuyển trạch viên và huấn luyện viên. Họ nói chuyện với nhau, thế là thành nguồn. Và đương nhiên rồi, còn có những người đại diện - trung gian cầu thủ. Họ cũng nói chuyện với nhau, thế là thành nguồn.
Nhưng tại sao họ lại truyền đi những thông tin đó ra bên ngoài? Chẳng phải nên giữ bí mật hay sao?
Còn tuỳ bối cảnh. Nhiều câu lạc bộ lập ra vị trí gọi là phát ngôn viên hay đại diện truyền thông. Nhiệm vụ của những người này là cung cấp thông tin ra bên ngoài cho báo chí như một cách để kiểm soát thông tin. Đôi lúc họ từ chối đưa ra bình luận về một chủ đề nhất định nào đó, đôi lúc - rất hiếm thôi - họ nói dối trước báo chí, và cũng đôi lúc họ kể cho bạn nghe sự thật. Ngay cả khi vị phát ngôn viên này không làm chuyện đó, thì vẫn sẽ có những người khác ở câu lạc bộ làm thay, vì trong hoàn cảnh này, thông tin được đưa ra không có tác động đến thương vụ.
Hãy lấy câu chuyện báo chí đưa tin Manchester United quan tâm đến Aaron Wan-Bissaka ra làm ví dụ. Câu chuyện là liệu thật sự Man Utd có đưa ra lời đề nghị hay không, còn lời đề nghị ấy trị giá bao nhiêu chẳng tác động đến việc cầu thủ kia sẽ đi hay ở. Tương tự cũng như vậy với những người đại diện. Người khôn ngoan biết lúc nào thì cần nói và lúc nào thì cần giữ im lặng.
Thỉnh thoảng một câu lạc bộ tung tin ra bên ngoài chỉ vì họ muốn người hâm mộ được vui. Nó cho thấy câu lạc bộ này đang cố gắng làm điều gì đó, chẳng hạn giúp thương hiệu được chú ý tới nhiều hơn, hay đôi khi là để xúc tiến một thương vụ.
Ví dụ rõ ràng nhất tôi có thể đưa ra là liên quan đến tiền đạo người Argentina, Gabriel Batistuta. Mùa hè năm 2000, Roma bấy giờ đang tìm kiếm một trung phong. Nhưng khi đó câu lạc bộ này được báo chí dẫn lời là họ cảm thấy mức giá đối với Batistuta quá điên rồ: hơn 40 triệu USD cho một tiền đạo 31 tuổi (một số tiền lớn vào thời điểm này, nói gì thời điểm đó).
Chủ tịch câu lạc bộ, ông Franco Sensi, quyết định số tiền này là quá mức cho phép. Thế rồi Fabio Capello, huấn luyện viên của Roma lúc bấy giờ, mới nói với một tờ báo rằng thương vụ Batistuta sắp sửa được hoàn tất ngay cả khi Sensi nói “không.” Thỉnh thoảng một câu lạc bộ cũng tung tin đồn ra bên ngoài, chỉ vì họ muốn người hâm mộ được vui.
Ngày hôm sau, phát biểu của Capello xuất hiện trên các mặt báo, chuông điện thoại của Sensi bắt đầu reo liên hồi, với những lời chúc mừng và bày tỏ sự cảm ơn vì ông đã cho thấy nỗ lực và quyết tâm theo đuổi của mình. Người hâm mộ đội bóng thì hô vang tên Sensi trên đường phố. Sensi bất ngờ trở thành người hùng trong mắt các cổ động viên vì đã dám chi đậm. Cuối cùng, Sensi mua Batistuta thật. Và Roma thì vô địch Serie A ở mùa giải sau đó.
Kể ra câu chuyện này để thấy, trong rất nhiều vụ chuyển nhượng, luôn có ít nhất một bên muốn giữ thông tin bí mật. May mắn là bất kỳ thương vụ nào cũng có rất nhiều bên tham gia, và hiếm khi nào tất cả đều kín tiếng. Thực tế, hiếm khi nào bên người đại diện - trung gian của cầu thủ chịu giữ miệng.
Hãy nói thêm về những người đại diện - trung gian cầu thủ, họ làm gì? Tại sao các câu lạc bộ lại phải thông qua họ mà không làm việc trực tiếp với nhau?
Đơn giản thôi, những người đại diện và trung gian này làm được những thứ mà các câu lạc bộ không thể làm, ví dụ như tiếp cận một cầu thủ (thông qua người đại diện của anh ta) mà không cần đến sự đồng ý của câu lạc bộ chủ quản cầu thủ ấy, điều vốn dĩ là trái luật. Trước khi anh tiếp cận chính thức và đưa ra một lời đề nghị béo bở với một cầu thủ, anh sẽ muốn biết mình tốn khoảng bao nhiêu tiền để trả lương và ký hợp đồng với cầu thủ đó. Những việc này người đại diện và trung gian có thể làm thay cho anh: họ thậm chí có thể ngỏ lời trước với câu lạc bộ chủ quản cầu thủ để dò hỏi xem câu lạc bộ đó muốn mức giá bao nhiêu.
De Ligt là một trong những cầu thủ gây náo động nhất trên thị trường chuyển nhượng vì những tin đồn do người đại diện đưa ra.
Ngược lại cũng tương tự. Nếu có một cầu thủ mà anh muốn bán đi, dù là để thay thế bằng một tân binh tốt hơn hoặc chỉ để kiếm lời, anh sẽ cần đến người đại diện - trung gian để phát đi thông điệp. Hoặc đôi khi, chính người đại diện của cầu thủ cũng sẽ làm điều tương tự. Nó giúp câu lạc bộ duy trì hình ảnh tốt đẹp trong mắt người hâm mộ (những người có thể không muốn chứng kiến một cầu thủ ngôi sao trong đội hình bị bán đi) lẫn chính cầu thủ này, bởi câu lạc bộ không trực tiếp và công khai bày tỏ ý định bán đi anh ta.
Ngoài ra thì bản thân cầu thủ có lẽ cũng không muốn được thông báo trực tiếp rằng anh ta không đáp ứng chất lượng chuyên môn, hoặc sắp trở thành một món hời để bán đi. Chưa kể đến trường hợp, chỉ cần câu lạc bộ công khai phát đi thông điệp “muốn bán” với một cầu thủ, giá của anh ta trên thị trường chuyển nhượng sẽ ngay lập tức giảm.
OK, vậy mức giá chuyển nhượng được quyết định bởi điều gì? Chúng ta đang sống ở một thị trường tự do, do đó, một câu lạc bộ muốn chi bao nhiêu cũng được phải không?
Không hẳn như vậy. Thực tế thì những cụm từ như “giá bán” hoặc “giá trị thị trường” đều gần như vô nghĩa. Có nhiều yếu tố anh cần đến để quyết định mức giá của một cầu thủ: tài năng, tuổi tác, mức lương hiện thời, thời hạn hợp đồng, và cả quốc tịch hay yếu tố “cây nhà lá vườn” - vì một cầu thủ không có hộ chiếu EU chắc chắn sẽ khiến CLB mất đi một suất ngoài EU trong đội hình. Càng ở phân khúc cao cấp của thị trường, những yếu tố này thường sẽ càng bị bóp méo. Những cầu thủ siêu tài năng là dạng hiếm có trong bóng đá và các CLB thường tin (dù đúng hay sai) rằng những yếu tố kia chỉ là phụ để đưa ra quyết định.
Hãy lấy Eden Hazard làm ví dụ. Real Madrid trả khoảng 110 triệu USD cộng thêm các khoản điều kiện khác để có được chữ ký của cầu thủ này. Nhưng điều này đâu có nghĩa họ cũng sẽ sẵn lòng có 11 cầu thủ với mức giá 10 triệu USD trải đều cho mỗi người. Những cầu thủ không phải là mặt hàng trong bối cảnh này.
Eden Hazard là bản hợp đồng lớn nhất trong mùa Hè này tính đến thời điểm hiện tại (Nguồn: Getty)
Thêm một ví dụ nữa để thấy bản chất của giá cầu thủ còn liên quan đến nhu cầu cấp thiết của một câu lạc bộ. Sau khi Neymar rời Barcelona để gia nhập PSG với mức giá khoảng 1/4 tỷ USD, đội bóng xứ Catalunya ngồi trên đống tiền và họ đứng trước nhu cầu cần mua gấp một tiền đạo cánh. Thế là họ chấp nhận chi 120 triệu USD để mang Ousmane Dembele về từ Borussia Dortmund. Đó là một cầu thủ chất lượng, nhưng sẽ là một thương vụ ít rủi ro hơn cho Barcelona nếu như họ tìm cách mua Dembele ở đầu kỳ chuyển nhượng, thay vì vào cuối kỳ. Có lẽ khi đó, họ chỉ tốn phân nửa số tiền đã bỏ ra thôi. Vậy nên, thời điểm có thể mang tính quyết định và làm nên sự khác biệt.
Tên tuổi của một câu lạc bộ cũng quyết định đến mức giá cầu thủ. Vào mùa hè năm 2016, Rennes (Pháp) bán đi tiền vệ trung tâm Abdoulaye Doucoure cho Watford với mức giá vào khoảng 12 triệu USD. Trước đó, đã có một CLB tên tuổi hơn, giàu có hơn bày tỏ sự quan tâm đến cầu thủ này và đưa ra lời đề nghị 20 triệu USD.
Những câu lạc bộ tiếng tăm và giàu có sẽ rất khó mua được cầu thủ với giá rẻ.
Chỉ có điều, trong mắt câu lạc bộ đó, Doucoure là phương án B. Cuối cùng, họ quyết định lựa chọn cầu thủ là phương án A, thế là Watford gặp may khi có được Doucoure với mức giá rẻ hơn 40%. Dạng mua bán cầu thủ này diễn ra từ xưa đến nay trong bóng đá. Bài học rút ra rất đơn giản: những câu lạc bộ tiếng tăm và giàu có sẽ rất khó mua được cầu thủ với giá rẻ.
Thế “điều khoản giải phóng hợp đồng” là gì? Tại sao một CLB lúc nào cũng cài điều khoản đó vào?
Điều khoản giải phóng hợp đồng cũng là một khía cạnh bị thị trường bóp méo. Trước tiên, chúng ta cần phải phân biệt: Ở Tây Ban Nha, mỗi cầu thủ đều có điều khoản giải phóng hợp đồng và nó giống như điều khoản mua lại; trong khi với điều khoản giải phóng hợp đồng tiêu chuẩn, chỉ cần một mức phí nhất định, cầu thủ sẽ có thể ra đi.
Điển hình thì một cầu thủ sẽ yêu cầu cài điều khoản ấy vào hợp đồng của họ, để bù cho việc anh ta phải chấp nhận một bản hợp đồng có giá trị ít hơn bản thân mong muốn. Nó giống như một cách để cầu thủ đánh cược vào chính bản thân mình, thực chất là anh ta đang muốn nói: “OK, tôi sẽ để lại một khoản tiền bảo lãnh. Nhưng chỉ cần tôi thi đấu tốt, bất kỳ CLB nào muốn có tôi sẽ không phải chi ra một số tiền khổng lồ. Khi đó, họ có thể để dành tiền để trao cho tôi một bản hợp đồng giá trị hơn.”
OK, vậy nó ít nhiều cũng giống như một vụ chuyển nhượng tự do. Vẫn có phí chuyển nhượng, nhưng số tiền không lớn, và cầu thủ nhờ thế có được mức lương cao hơn…
Những cầu thủ thuộc dạng chuyển nhượng tự do trong mùa Hè này
Phải, dù nói “chuyển nhượng tự do” là sai thuật ngữ. Khi Emre Can chuyển đến Juventus từ Liverpool dưới dạng “chuyển nhượng tự do”, bản thân anh ta không chỉ được hưởng mức lương tăng lên đáng kể, mà gần 18 triệu USD còn trở thành khoản tiền hoa hồng chảy vào túi người đại diện. Vậy nên, các bạn cũng có thể hình dung câu chuyện tương tự với trường hợp của Aaron Ramsey cùng người đại diện, hay với Adrien Rabiot và người đại diện của cầu thủ này (cũng chính là mẹ anh ta).
Một khoản trong số tiền đó được trả bởi câu lạc bộ để thuận tiện trong đàm phán hợp đồng với cầu thủ - mặc dù rõ ràng như vậy là xung đột lợi ích - nhưng bóng đá vốn dĩ vận hành theo cách đó. Cũng có khi một khoản này được trả bởi câu lạc bộ để làm vừa lòng cầu thủ. Dù sao thì số tiền bỏ ra đó cũng rẻ hơn so với việc trả phí chuyển nhượng phải không?! Có điều là giờ đây, cách biệt không còn lớn như xưa nữa.
Vậy đâu là quan niệm sai lầm nhất mà con người hay mắc phải khi nói về thị trường chuyển nhượng?
Rất nhiều người có vẻ như vẫn không hiểu cách suy nghĩ của hầu hết các CLB về chi phí mà họ bỏ ra cho một cầu thủ. Khi các CLB mua về những cầu thủ, họ trừ dần khoản chi phí bỏ ra tính trong suốt thời hạn hợp đồng. Nghĩa là, nếu cầu thủ X gia nhập một câu lạc bộ với giá 50 triệu USD và ký vào một bản hợp đồng thời hạn 5 năm với mức lương 5 triệu USD mỗi mùa, anh ta sẽ tiêu tốn của câu lạc bộ ấy 15 triệu USD mỗi năm (10 triệu USD tính theo trả dần và 5 triệu USD tiền lương).
Khái niệm “chuyển nhượng tự do” chỉ mang tính tương đối, vì không có gì là miễn phí cả.
Nếu cầu thủ Y gia nhập một câu lạc bộ dưới dạng chuyển nhượng tự do (không hẳn là “miễn phí” hoàn toàn, nhưng cứ tạm cho là vậy đi) và ký vào một bản hợp đồng cũng thời hạn 5 năm với mức lương 20 triệu USD mỗi mùa, rõ ràng là anh ta sẽ tiêu tốn CLB ấy khoản tiền nhiều hơn so với cầu thủ X.
Tuy nhiên, vẫn còn đó một vấn đề. Giả sử cả hai cầu thủ X và Y nói trên đều thi đấu khá tệ và sau 2 năm, câu lạc bộ kia muốn tống cả hai người họ sang câu lạc bộ khác. Trong trường hợp của cầu thủ X, miễn là bán được anh ta với giá 30 triệu đô-la trở lên, CLB sẽ hoàn tiền (xét trong thuật ngữ kế toán), vì đó chính là khoản giá trị còn lại trong hợp đồng. Còn với trường hợp của cầu thủ Y, vì anh này được mang về không tốn phí chuyển nhượng, nên là dù bán anh ta với giá nào đi chăng nữa, CLB cũng sẽ có lời. (Song, cần phải tư duy thêm: vì cầu thủ Y được ký một bản hợp đồng có giá trị đến 20 triệu USD mỗi mùa, sẽ khó để tìm ra một CLB nào kham nổi mức lương hiện tại của anh ta, chưa kể đến việc CLB đó còn phải trả một khoản phí chuyển nhượng nữa).
Xuất phát từ động cơ đó, trừ dần khoản chi phí bỏ ra cũng là lý do vì sao các CLB lại chọn cách đưa ra một bản hợp đồng dài hạn, kết hợp cùng tăng lương ở một số thời điểm. Lại lấy ví dụ từ cầu thủ X. Giả sử sau 2 năm, cầu thủ X được ký một bản hợp đồng mới có thời hạn 5 năm với CLB, lần này được tăng mức lương lên 6 triệu USD mỗi mùa, ắt hẳn anh ta sẽ cảm thấy vui mừng vì mức lương tăng lên 20%, phải không?!
Nhưng đâu chỉ mình anh ta vui, câu lạc bộ cũng vui nữa, vì họ có thể kéo dài thời gian đối với khoản giá trị còn dư trong mức phí chuyển nhượng (30 triệu USD) thêm 5 năm nữa. Điều này không khác gì việc giờ đây, CLB kia chỉ tốn 12 triệu USD mỗi mùa (6 triệu USD tính theo trả dần và 6 triệu USD tiền lương) đối với cầu thủ X.
Vậy là, câu lạc bộ tăng lương cho cầu thủ 20%, nhưng đồng thời tiết kiệm được 20%. Đôi bên cùng thắng, ai cũng vui.
Comments